TP HCMÔng Trung, 70 tuổi, đau âm ỉ vùng trên rốn và bên trái bụng suốt 4 tháng, bác sĩ phát hiện mắc hội chứng dây chằng cung giữa ít gặp.
Trước đó, ông Trung tưởng bị đau dạ dày, uống thuốc giảm triệu chứng nên không đi khám. Về sau, ông đau nặng hơn, xét nghiệm, chụp chiếu không phát hiện bệnh nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
Ngày 31/1, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết đau bụng trên rốn thường là biểu hiện của bệnh tiêu hóa (dạ dày, gan mật tụy). Nhưng các chẩn đoán cận lâm sàng và hình ảnh học không ghi nhận ông Trung bị tổn thương những vùng này. Bác sĩ chụp CT bụng có cản quang phát hiện hẹp 85% chỗ xuất phát động mạch thân tạng – nhánh động mạch lớn cấp máu cho gan, lách, dạ dày, thực quản, tụy, tá tràng.
Tổn thương hẹp động mạch thường do xơ vữa mạch máu hẹp từ trong lòng, chèn ép từ bên ngoài, chấn thương, tai nạn hay thủ thuật can thiệp y khoa khác. Tuy nhiên, ông Trung không có tình trạng xơ vữa, không chấn thương hay can thiệp. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc hội chứng dây chằng cung giữa (còn gọi là hội chứng chèn ép động mạch thân tạng) gây chèn ép động mạch thân tạng và các hạch giao cảm thân tạng. Đây là nguyên nhân khiến ông đau bụng, theo bác sĩ Dũng.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, giải thích lồng ngực và bụng ngăn cách bởi cơ hoành. Động mạch chủ đi từ lồng ngực qua lỗ động mạch của cơ hoành để xuống bụng, có nhiều nhánh chia ra để cấp máu nuôi các cơ quan. Ở người bình thường, dây chằng nằm trên cao, động mạch chủ đi qua dây chằng, xuống dưới bụng và phân nhánh động mạch thân tạng. Khi mắc hội chứng dây chằng cung giữa, động mạch thân tạng bị dây chằng bó chặt, lâu ngày sau chỗ hẹp phình to dần ra (do dòng máu tăng vận tốc sau chỗ hẹp tạo áp lực lên thành mạch).
Ông Trung có khối phình sau chỗ hẹp kích thước 7 mm. Nếu không can thiệp sớm, khối phình nguy cơ tiến triển, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ mổ nội soi bằng cách mở đường trên rốn đưa ống soi vào tiếp cận vùng cơ hoành của người bệnh. Dưới sự hỗ trợ của camera nội soi, ê kíp cắt bó dây chằng cung giữa để tạo cơ hội cho động mạch thân tạng nở rộng. Sau hai giờ, ca phẫu thuật kết thúc, kích thước động mạch thân tạng trở lại bình thường.
Hội chứng dây chằng cung giữa có dấu hiệu phổ biến gồm đau bụng (nhất là sau khi ăn hoặc tập thể dục), buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân. Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng này. Các triệu chứng mơ hồ nên rất khó chẩn đoán.
Theo bác sĩ Dũng, phẫu thuật giải phóng dây chằng cung giữa là biện pháp điều trị duy nhất cho hội chứng này. Người bệnh cải thiện triệu chứng ngay sau mổ, cần tái khám định kỳ để theo dõi quá trình phục hồi lưu lượng máu qua động mạch thân tạng.
Thu Hà
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |