Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đã vượt xa Trung Quốc trong cuộc đua giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới, một phần nhờ vào sức tiêu dùng sôi động.
Việc dự đoán tương lai của nền kinh tế Mỹ hay Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. (Nguồn: DW News) |
Mỹ ở “trạng thái vàng”
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng và lạm phát tiếp tục giảm tốc trong quý IV/2023. Như vậy, Mỹ đã tránh được một cuộc suy thoái mà giới phân tích từng cho là tất yếu sẽ xảy ra trong năm 2023.
Trong quý cuối cùng của năm 2023, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt 3,3%. Mức tăng này cao hơn so với mức dự báo tăng trưởng 2% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Không chỉ thế, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – tăng 2% trong quý IV, bằng mục tiêu lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Nhà kinh tế trưởng Beth Ann Bovino của ngân hàng US Bank nhận định: “Các dữ liệu tăng trưởng và lạm phát nói trên phản ánh ‘trạng thái vàng’ – tăng trưởng mạnh và lạm phát đi xuống. Chúng tôi đang kỳ vọng nền kinh tế hạ cánh mềm trong năm nay”.
Cả năm 2023, nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của giới đầu tư và chuyên gia phân tích ở Phố Wall đưa ra hồi đầu năm.
Động lực chính đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm qua là người tiêu dùng nước này tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ. Sau thời gian u ám kéo dài, người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cảm nhận tốt hơn phần nào về lạm phát và kinh tế. Tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 2,8% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước.
Theo hãng tin CNN, người tiêu dùng Mỹ chi tiêu thoải mái bởi một lý do: Chính phủ Mỹ đã chi gần 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình dưới dạng phát séc kích cầu, tăng cường trợ cấp thất nghiệp, tín dụng thuế…
Trong khi đó, đại dịch là khoảng thời gian người dân ít chi tiêu vì đa số các dịch vụ đóng cửa, dẫn tới lượng tiền tiết kiệm lớn. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, họ bắt đầu chi tiêu như một “lò xo được bung nén”.
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Joseph Gagnon thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, mức tiêu dùng ấn tượng của người Mỹ có đóng góp không nhỏ của số tiền kích cầu vẫn đang chảy trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương tăng 3,7% và chi tiêu của Chính phủ liên bang tăng 2,5%.
Có thể khẳng định, những số liệu chi tiêu nói trên là nguồn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.
Nhà kinh tế trưởng Dan North của công ty Allianz Trade Americas khẳng định: “Nền kinh tế đã phủ nhận mọi dự báo bi quan của giới chuyên gia kinh tế và luôn tăng vượt trội so với dự báo trong năm qua”.
Trung Quốc khó bứt phá vượt trội
Ở thời điểm cách đây một năm, kỳ vọng của thế giới vào hai nền kinh tế này hoàn toàn khác.
Đầu năm 2023, kinh tế Mỹ dự báo rơi vào suy thoái, khi Fed liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở ngưỡng cao nhất trong nhiều thập niên. Ngược lại, Trung Quốc được dự báo hồi phục mạnh sau khi giới chức mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
“Tuy nhiên, hết năm 2023, kết quả của hai nền kinh tế đã nhấn mạnh một điểm rộng hơn, đó là nền kinh tế Mỹ đang nổi lên sau thời kỳ đại dịch ở một vị trí tốt hơn so với Trung Quốc”, hãng tin Bloomberg viết.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế nước này đã đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5,2% vào năm 2023.
Dù vậy, Bắc Kinh đang phải vật lộn dưới sức nặng của cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài nhiều năm và chuỗi giảm phát tồi tệ nhất trong khoảng 25 năm trở lại đây. Xuất khẩu từng là trụ cột quan trọng của tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã suy yếu vào năm 2023.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng vọt và chính quyền địa phương đang gánh quá nhiều nợ. Với những “cơn gió ngược” này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự đoán khó bứt phá vượt trội.
Nơi rộng khoảng cách
Hồi tháng 10/2023, tờ South China Morning Post đánh giá, khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có phần nới rộng trong năm nay.
Cùng thời điểm trên, Bloomberg Economics cũng đưa ra dự báo rằng, phải đến thập kỷ 2040, GDP của Trung Quốc mới có thể cao hơn của Mỹ. Nhưng khoảng cách sẽ rất nhỏ và sau đó Washington lại vượt lên.
Trước đại dịch Covid-19, hãng tin trên từng dự đoán, Bắc Kinh sẽ sớm lớn nhất thế giới vào đầu thập kỷ 2030 và sau đó tiếp tục giữ vững vị trí này.
Dẫn số liệu GDP và thành quả kinh tế hiện tại, ông Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) khẳng định: “Thành quả hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ cùng những ‘cơn gió ngược’ đang cản trở Trung Quốc và chứng minh rằng, đường để Bắc Kinh vượt Washington còn xa”.
Theo Yahoo Finance, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã mang lại cho nước này ảnh hưởng to lớn đối với địa chính trị trong những thập niên gần đây. Sự kết thúc của ảnh hưởng đó sẽ có tác động lớn đến phần còn lại của thế giới.
“Điều đó có thể có nghĩa là thương mại, tài chính và địa chính trị có thể lấy Mỹ làm trung tâm lâu hơn dự kiến”, Yahoo Finance đánh giá.
Ông Josh Lipsky, cựu cố vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định rằng: “Tất cả những tin đồn về việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP đã bị hoãn lại, nếu không muốn nói là bị trì hoãn vô thời hạn”.
Có thể nói, việc dự đoán tương lai của nền kinh tế Mỹ hay Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như những thay đổi đột ngột về địa chính trị hay những đột phá về công nghệ…
Về phía Mỹ, đến nay, chiến dịch Fed để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vẫn chưa đi đến hồi kết. Bất chấp các số liệu kinh tế tích cực, vẫn có nguy cơ Fed duy trì chính sách quá chặt và quá lâu, gây ra suy thoái. Do đó,Bắc Kinh vẫn có thể có cơ hội vượt qua đối thủ lớn nhất của mình. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này có vẻ khó xảy ra.