Trước ngày về quê nghỉ tết, mẹ gọi điện hỏi con trai muốn được mẹ tặng quà gì? Con bảo, đón năm mới cùng mẹ là món quà ý nghĩa nhất với con.
Câu trả lời của con khiến mẹ rưng rưng nước mắt vì cảm thấy con trai mẹ đã lớn. Mẹ nhớ những mùa Xuân trước, khi gia đình mình đủ đầy những thành viên. Bố mẹ thường đưa con từ Hà Nội về quê đón tết cùng ông bà nội nơi làng quê dưới chân núi. Ở đó, con vui hơn khi đôi chân được thỏa sức chạy nhảy trên khoảng sân rộng lớn, đôi tay thả cá chép xuống dòng suối trong mát trong ngày 23 tháng Chạp.
Những ngày cận tết, cả gia đình cùng nhau gói bánh chưng. Những chiếc bánh được gói từ đỗ xanh, gạo nếp, lá dong… Những nguyên liệu trong mảnh vườn, thửa ruộng được bà nội chăm sóc cả đời bằng đôi bàn tay tảo tần. Ngay cả chiếc lạt buộc cũng được ông nội chẻ từ cây tre nơi góc vườn. Bàn tay bé nhỏ của con cũng tập tành gói chiếc bánh nhỏ xinh theo cách chỉ bảo của bố. Khi nồi bánh chưng bắc lên chiếc kiềng, con ngồi bên bố mẹ líu lo hát bài hát thiếu nhi về ba ngọn nến. Ngọn nến trong câu hát của con cùng ngọn lửa trong căn bếp nhỏ bừng lên thứ ánh sáng ấm áp, đoàn viên.
Rồi bố kể cho mẹ con mình nghe về những kỷ niệm tuổi thơ trong gian bếp với bắp ngô, củ sắn, củ khoai, hạt cốm sau mùa vụ. Đâu chỉ có tuổi thơ của bố mà tuổi thơ của mẹ cũng ăm ắp những kỷ niệm cùng gian bếp nhỏ. Đó là những buổi chiều nấu cơm bằng rơm rạ, lá khô khói cay xè khóe mắt, gò má bám vệt bụi tro. Đó là những ngày trời Đông rét mướt sắn luộc, khoai nướng, ngô rang… thứ quà quê dân dã lại lấp đầy bụng đói của những đứa trẻ xóm nghèo.
Có thể những đứa trẻ sinh ra trong cuộc sống hiện đại như con sẽ xa lạ với chiếc kiềng ba chân, xoong nồi ám muội nhưng mẹ sẽ dạy con giữ gìn giá trị truyền thống bắt đầu từ gian bếp nhỏ, gắn với câu chuyện cổ tích và phong tục cúng ông Công, ông Táo đã nối truyền từ ngàn năm.
Con lớn lên, mẹ sẽ dạy con chế biến những món ăn truyền thống bày lên mâm cơm cúng tất niên. Ngoài chiếc bánh chưng xanh tượng trưng cho hình hài của đất còn là xôi gấc, hành muối, nem rán… Những món ăn tạo thành bản sắc, nét đẹp trong Tết Việt. Mẹ sẽ truyền dạy tất cả những bí quyết nấu ăn ngon mà mẹ học được từ bà ngoại cho con trai của mẹ. Để mai sau lớn lên, con có thể san sẻ nỗi vất vả công việc gia đình với người phụ nữ mà con yêu thương. Như cách mà bố mẹ chăm sóc, yêu thương và “bình đẳng với nhau”, để cuộc sống gia đình luôn thuận hòa.
Mẹ nhớ lại ngày đầu năm, gia đình mình đi chúc tết họ hàng người thân. Bố bế con vượt quãng đường trơn trượt sau những cơn mưa nơi miền rừng. Bàn tay của bố là điều thân thuộc với con. Bởi khi ở phố, mẹ thường bận rộn với những ca làm việc. Những đêm ấy, bố thường bế bồng rồi khe khẽ hát ru con trong căn phòng trọ chật chội.
Thế mà bàn tay bố chưa kịp dạy con nét chữ đầu tiên thì bố đã rời xa mẹ con mình trong một vụ tai nạn lao động. Lên ba tuổi con mất bố, khi đó con còn quá nhỏ để cảm thấu nỗi đau chia cách.
Vì điều kiện công việc của mẹ và con đường học tập của con, mẹ kìm nén nỗi nhớ, gửi con về sống cùng ông bà ngoại. Nơi ấy con sẽ được gia đình ngoại chăm sóc, yêu thương như tuổi thơ của mẹ. Làng quê ấy cũng có dãy núi, dòng sông, thửa ruộng, mảnh vườn… để con có thể tìm thấy niềm vui trong tuổi thơ thiếu vắng hình bóng và bàn tay ấm áp của bố.
Làm việc xa nhà nên mẹ chỉ có thể tranh thủ về thăm con vào ngày nghỉ, và gọi điện trò chuyện với con sau thời gian tan ca làm việc. Mẹ như quên hết mệt nhọc khi nhìn thấy nụ cười trên môi con. Mẹ vui khi nghe con kể câu chuyện ở trường và khoe về điểm số của kỳ thi lớp 2 con vừa vượt qua. Mẹ hạnh phúc khi con nói rằng biết giúp đỡ ông bà làm một số việc nhỏ trong nhà…
Tết năm nay, con không đòi mẹ mua món đồ chơi, bộ quần áo mới như mọi năm.
Con bảo, đón tết bên mẹ là món quà ý nghĩa nhất. Lời của con khiến mẹ mong những ngày tết đến thật nhanh. Để mẹ trở về ôm con vào lòng, bù đắp sự thiếu thốn tình cảm trong những tháng ngày xa cách. Dẫu bàn tay mẹ không rộng lớn, cứng rắn như bàn tay bố nhưng vẫn đủ ấm áp để che chở cho con.
Ngày nghỉ tết là quãng thời gian dài mẹ được ở bên con. Mẹ sẽ đưa con đi chúc tết gia đình họ hàng nội ngoại. Mẹ sẽ dạy con hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa, phong tục cổ truyền, về lòng hiếu nghĩa trong câu “Mùng Một Tết Cha, Mùng Hai Tết Mẹ, Mùng Ba Tết Thầy”.
Ngày tết năm xưa, bố bế con vượt qua những con đường khó đi. Tết nay, dẫu bố không còn trên thế gian, mẹ sẽ dắt tay con đi trên con đường cũ bằng tình yêu thương của mẹ.
KIỀU THỊ HUYỀN TRANG
Huyện Chương Mỹ – Hà Nội