Chưa thể có thêm đạn cho Kiev
Theo sáng kiến được đề xuất, một công ty Nhật Bản sẽ sản xuất đạn pháo 155 mm theo giấy phép của tập đoàn BAE Systems rồi gửi sang Vương quốc Anh, giúp London có thể viện trợ thêm đạn dược tới Ukraine. Theo những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ trên tạp chí Wall Street Journal, kế hoạch đó hiện đã bị đình trệ.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm gửi thêm đạn pháo tới Ukraine cho đến nay đã mang lại nhiều kết quả khác nhau. Mỹ đã tăng gấp đôi sản lượng đạn 155 mm so với trước cuộc xung đột Nga – Ukraine trong khi châu Âu tăng cường nguồn cung chậm hơn. Trong số các vấn đề là sự không tương thích thường xuyên của những gì được cho là hệ vỏ tiêu chuẩn.
Kế hoạch pháo binh giữa Nhật Bản và Vương quốc Anh bắt nguồn từ quyết định của Tokyo nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát lâu dài đối với việc xuất khẩu vũ khí. Vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ cho phép vũ khí sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép từ nước ngoài được gửi đến quốc gia cấp giấy phép.
Theo hướng dẫn sửa đổi, Nhật Bản cho biết họ sẽ cung cấp tên lửa Patriot cho Mỹ sớm nhất là trong quý này, một động thái được các nhà quan sát tin rằng có thể cho phép Mỹ gửi thêm tên lửa phòng không tới Ukraine.
Mùa hè năm ngoái, phía Mỹ lần đầu nêu ra ý tưởng về việc Nhật Bản cung cấp đạn pháo 155 mm có thể bổ sung cho nguồn cung cấp của Mỹ, giải phóng kho dự trữ để đến Ukraine. Theo thỏa thuận tương tự, Hàn Quốc đã đóng góp hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155 mm cho Mỹ.
Tokyo và Washington là đồng minh quân sự thân thiết, có khuôn khổ chia sẻ đạn dược, nhưng quan chức Nhật Bản cho biết rằng thỏa thuận đó chỉ dành cho việc trao đổi và trả lại vật tư giữa Mỹ và Nhật Bản khi quân đội hai nước hoạt động cùng nhau.
Nhật Bản duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước liên quan đến xung đột, nghĩa là nước này không thể gửi đạn pháo trực tiếp tới Ukraine.
Ý tưởng cung cấp đạn pháo cho Mỹ bị đình trệ, nhưng sau khi Nhật Bản thay đổi hướng dẫn xuất khẩu vũ khí, Vương quốc Anh đã bắt tay vào thực hiện. Công ty Nhật Bản Komatsu sản xuất đạn pháo theo giấy phép của BAE Systems cho quân đội Nhật Bản.
Các quan chức Anh đã xem xét liệu quân đội Anh có thể sử dụng đạn pháo 155mm do Komatsu sản xuất hay không nhưng quyết định từ bỏ ý tưởng này trước khi đề xuất chính thức với phía Nhật Bản. Điều đó đồng nghĩa rằng, London chưa thể có thêm đạn pháo để lấp đầy kho dự trữ nếu họ gửi thêm đạn tới Ukraine.
Thách thức không chỉ là thiếu đạn
Trong số nhiều vấn đề phức tạp mà các đồng minh phương Tây phải đối mặt khi gửi thêm vũ khí cho Ukraine là đôi khi thiếu khả năng tương thích giữa đạn pháo và pháo từ các nhà sản xuất khác nhau.
Đạn 155 mm được xem như một tiêu chuẩn pháo binh trên khắp các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh của họ, cho phép các quốc gia sử dụng kết hợp súng và đạn dược của nhau. Nhưng trong thực tế, chúng không phải lúc nào cũng tương thích.
Mark Cancian, cựu sĩ quan pháo binh của Thủy quân lục chiến Mỹ, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết các vấn đề về an toàn đôi khi có thể nảy sinh. “Sự kết hợp giữa thuốc súng và đạn không phải lúc nào cũng có thể thay thế cho nhau”, ông nói.
Mặc dù hầu hết các loại đạn pháo đều có thể được bắn từ pháo của các quốc gia khác, nhưng các quy trình an toàn khác nhau có nghĩa là chúng có thể cần phải được kiểm tra trước khi khai hỏa an toàn.
Đô đốc Rob Bauer, một quan chức quân sự hàng đầu của NATO cho biết những sai lệch trong cách thức hoạt động của hệ thống pháo binh của các thành viên khiến việc đạt được khả năng tương tác cần thiết giữa các lực lượng vũ trang trở nên khó khăn hơn.
“Trong hệ thống hiện tại, mọi hệ thống pháo 155 mm đều được chế tạo hơi khác một chút”, ông Bauer nói, đồng thời cho biết thêm các nhà sản xuất đồng minh sản xuất 14 loại hệ thống 155 mm khác nhau và 4 loại nữa đang được phát triển.
“Cơn khát đạn” vẫn còn dài
Ukraine có nhu cầu rất lớn về đạn pháo, khi bắn hàng nghìn viên đạn pháo mỗi ngày. Và việc đảm bảo có thêm đạn pháo là thách thức lớn cho Ukraine khi nguồn cung bị thiếu hụt sau gần hai năm xung đột với Nga. Theo một số nguồn tin tình báo, quân đội Ukraine đôi khi đã phải hạn chế sử dụng đạn pháo.
Doug Bush, Trợ lý thư ký phụ trách Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ của Quân đội Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal: Có thêm đạn pháo là một trong những ưu tiên lớn nhất của Ukraine. Và đó cũng là một ưu tiên của phương Tây khi viện trợ vũ khí cho Kiev.
NATO trong tháng này đã cố gắng khởi động thêm hoạt động sản xuất bằng cách công bố các hợp đồng mua khoảng 220.000 quả đạn pháo 155 mm trị giá 1,2 tỷ USD. Đến tháng 11 năm ngoái, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã giao 300.000 viên đạn cho Ukraine, và 180.000 viên nữa đã được đặt hàng nhưng chưa được giao.
Các nhà sản xuất châu Âu phàn nàn rằng họ không nhận được đơn đặt hàng dài hạn từ chính phủ để họ có thêm niềm tin để mở rộng công suất. Cuối năm 2023, Lầu Năm Góc cho biết họ đã cung cấp hơn 2 triệu viên đạn pháo 155 mm.
Chính phủ Mỹ sở hữu phần lớn quy trình sản xuất đạn pháo, ngay cả khi các công ty thường xuyên vận hành nhà máy. Ông Doug Bush cho biết hiện nay Mỹ sản xuất khoảng 30.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng và dự kiến sẽ sản xuất tới 80.000 quả đạn mỗi tháng vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, đó là Quốc hội nước này vẫn chưa phê duyệt nguồn tài trợ để gửi cho Ukraine thêm vũ khí. “Nếu có điều gì khiến tôi mất ngủ thì chính là tiền”, Doug Bush – Trợ lý thư ký phụ trách Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ của quân đội Mỹ – phát biểu. “Chúng tôi cần tiền”. Một phát biểu cho thấy, triển vọng có đủ đạn pháo vẫn còn rất xa vời với Ukraine.