UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo cập nhật tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 (cập nhật đến ngày 23/1).
Trong báo cáo này, huyện có đề cập đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (gọi tắt là Sài Gòn – Đại Ninh) do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Cao Trí làm người đại diện pháp luật.
Theo báo cáo của huyện, dự án đã hoàn thành một số thủ tục và được xây dựng một số công trình kiến trúc, san gạt đường giao thông và rải cấp phối một số đoạn đường. Vốn đã đầu tư 2.296 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức đầu tư.
UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án (Văn bản 245 ngày 12/1/2022); gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng (Văn bản 725 ngày 28/1/2022); điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án (Văn bản 1932 ngày 24/3/2022).
Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, nộp bản cam kết tiến độ. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 5/8/2022. Ngày 7/8/2023, UBND tỉnh ban hành văn bản thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất tại dự án, theo đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu.
Ngoài ra, UBND huyện Đức Trọng cũng có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên diện tích Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý.
UBND huyện yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương xác lập các hồ sơ xử lý hành vi vi phạm theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tuyệt đối không để người dân tiếp tục tác động, sử dụng đất không đúng mục đích tại khu vực nêu trên và trên lâm phần được giao quản lý.
Doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng và đất trên khu vực dự án được giao quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý ngay từ khi mới phát sinh. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan để phối hợp, xem xét giải quyết theo đúng quy định.
Công ty Sài Gòn – Đại Ninh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm trên diện tích được giao quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý, báo cáo kịp thời theo quy định.
UBND huyện cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND xã Phú Hội, các đơn vị, địa phương liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin và tích cực thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị để đảm bảo việc xử lý hành vi vi phạm được kịp thời, theo đúng quy định.
Dự án Sài Gòn – Đại Ninh có diện tích gần 3.600ha, trải dài trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng. Dự án này bao trọn hồ Đại Ninh – địa danh được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ ở huyện Đức Trọng. Mặc dù được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2010 nhưng sau 13 năm, dự án vẫn trong cảnh dở dang.
Ông Nguyễn Cao Trí đã mua lại cổ phần công ty Sài Gòn Đại Ninh và là người đại diện pháp luật từ năm 2021. Sau đó, ông Trí có thỏa thuận bán 100% vốn công ty này cho bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Liên quan dự án này, nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ. Ông Trần Đức Quân, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra các sai phạm liên quan dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng bị bắt để điều tra về tội Nhận hối lộ. Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ cũng bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.