Lời tòa soạn:

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần với mọi gia đình, nhưng đâu đó vẫn xảy ra các vụ việc vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật xuất phát từ những phút không làm chủ được bản thân, ham tiệc tùng say xỉn. 

VietNamNet phản ánh những câu chuyện đã xảy ra như lời cảnh báo và mong muốn không có thêm các vụ việc khiến lực lượng làm nhiệm vụ vất vả xuyên đêm, còn người vi phạm thậm chí vướng vòng lao lý.

Một tối cận Tết, Tổ CSGT – Trật tự, Công an TP. Thủ Đức (TP.HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Hiệp Bình thuộc phường Hiệp Bình Chánh. Nhiều trường hợp chạy xe trên đường đã bị ra hiệu dừng lại để kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn.

Anh L.Đ.T. (quê Hải Phòng) lái xe máy loạng choạng trên đường, có dấu hiệu say xỉn nên lập tức bị CSGT ra hiệu dừng xe. Qua kiểm tra, kết quả đo nồng độ cồn của anh T. là 0,457mg/lít khí thở.

nong do con 1.png
Anh T. được phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy. Ảnh: Linh An

“Khi CSGT đưa máy đo nồng độ cồn để thổi là tôi biết mất cái Tết rồi!”, anh T. nói với PV khi nghe CSGT thông báo mức phạt cho lỗi vi phạm của anh là 7 triệu đồng.

Anh T. chia sẻ bản thân làm nghề thợ mộc, lương 8 triệu đồng/tháng. Hôm nay, anh đi dự tiệc tất niên với vài người bạn chung chỗ làm, có uống vài ly bia.

“Đây là lần đầu tiên tôi bị đo nồng độ cồn. Tôi biết mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn rất nặng và đã lỡ vi phạm thì phải chấp nhận, không ý kiến. Vì ham vui mà cả nhà mất cái Tết, thấy xót xa quá”, anh T. nói.

Anh N.N.H. (quê Sóc Trăng) cũng có lời trần tình cay đắng khi được tổ CSGT – Trật tự, Công an TP. Thủ Đức thông báo mức vi phạm nồng độ cồn của anh là 0,388mg/lít khí thở, bị phạt 4,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện.

nong do con 2.png
Anh H. hối hận vì ham vui nhậu tiệc tất niên rồi điều khiển xe máy ra về. Ảnh: Linh An

Anh H. kể mình là thợ điện lạnh nhưng thất nghiệp cả tháng trời, phải cầm cố giấy tờ và đồ đạc để duy trì cuộc sống tối thiểu hằng ngày. Hôm nay mới có việc đi làm, nhận được tiền công 350 ngàn đồng/ngày. Xong việc, chủ nhà mời tiệc tất niên và anh có uống 4 lon bia. Tàn tiệc anh lái xe máy ra về thì gặp chốt CSGT.

“Tôi rất hối hận vì sự ham vui của mình, đáng lẽ xong việc thì về nhà, đằng này ở lại nhậu nhẹt, uống vài lon mới ra cớ sự thế này. Tết này coi như tôi mất Tết, không thể về quê sum vầy rồi!”, anh H. tâm sự chua chát.

Rất ít người vi phạm chống đối, chủ yếu thái độ hối hận

Cán bộ Phòng CSGT – Công an TP.HCM cho biết, giai đoạn ban đầu khi triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, có một số người chống đối, nói lời khó nghe. Thông thường CSGT phải giữ bình tĩnh để lập biên bản, nếu người đó có dấu hiệu chống đối sẽ nhờ hỗ trợ của công an địa phương.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khi bị xử phạt đa số người vi phạm chấp hành nghiêm túc, phần lớn có thái độ hối hận vì sự ham vui của mình.

Mới đây, Đội Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại giao lộ Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng, quận 1.

Tại địa điểm này, tổ CSGT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng đối với trường hợp anh V.T.T. (ngụ TP. Thủ Đức) do vi phạm mức nồng độ cồn là 0,661mg/lít khí thở.

Đáng nói, trong quá trình CSGT làm việc, anh T. đã dùng điện thoại để phát trực tiếp trên mạng xã hội.

nong do con 3.png
Bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, anh T. phát trực tiếp lên mạng xã hội và nhắn nhủ “tất cả mọi người đừng mắc sai lầm như tôi”. Ảnh: Linh An

Anh T. liên tục quay từng cán bộ CSGT làm nhiệm vụ, nhiều lần rời vị trí đang làm việc với CSGT để quay phim. Tổ CSGT và CSCĐ tham gia phối hợp đã bình tĩnh nhắc nhở, đề nghị anh T. phối hợp. Anh T. thừa nhận có uống 3 lon bia và rất hối hận về sự ham vui của mình.

“Tôi quay phim, phát trực tiếp là để nhắn nhủ với tất cả mọi người đừng mắc sai lầm như tôi, phải tuân thủ quy định pháp luật. Tôi có thái độ hối hận, chứ tôi không chống đối”, anh T. khẳng định.

Ông L.A.Q. (ngụ quận Bình Thạnh) mới đây bị Đội tuần tra dẫn đoàn chặn xe để kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh.

Ban đầu, ông Q. xuống xe có lời lẽ khó nghe, nhưng trước sự nhã nhặn kèm cương quyết của cán bộ CSGT, ông đã dịu giọng năn nỉ rồi cuối cùng phải chấp hành.

Với mức vi phạm nồng độ cồn 0,277mg/lít khí thở, ông Q. được CSGT thông báo lập biên bản xử phạt 4,5 triệu đồng và tước bằng lái 17 tháng.

nong do con 4.png
Nhiều người vi phạm nồng độ cồn nghiêm túc chấp hành, tỏ ra hối hận. Ảnh: Linh An

Ông Q. trần tình: “Tôi là lao động chân tay, mức phạt đó bằng gần tháng lương rồi. Hôm nay, tôi dự tất niên sớm ở gia đình nhà bạn và có uống vài ly. Tôi có thái độ như vậy là cũng mong được… tha, nhưng không được thì phải chấp nhận.

Tôi khuyên mọi người đã uống rượu bia thì không lái xe, còn nếu ham vui thì đi xe ôm công nghệ về. Mong là mọi người chấp hành, đừng để mất cái Tết sum vầy vì chuyện ham vui của bản thân”.

Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an TP.HCM cho biết, Phòng CSGT đang phối hợp cùng công an 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức để triển khai quyết liệt kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nói riêng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán nói chung đến hết ngày 29/2.

CSGT bố trí thời gian, địa điểm hợp lý ở các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các tuyến đường có các nhà hàng, quán ăn phục vụ rượu bia để kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, để người dân có ý thức hơn, đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông.

Vào ban ngày, CSGT sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tuần tra, làm nhiệm vụ trên đường. Nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng rượu bia thì xử lý theo quy định. Vào ban đêm, CSGT sẽ lập chốt để kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Công an quận, huyện cùng cấp xã, phường sẽ phối hợp thành cụm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường của địa bàn, thậm chí là các hẻm nhỏ.

Xong những bữa tiệc tất niên, tài xế ‘say xỉn’ mất quyền lái ô tô chơi TếtNhững ngày cận Tết cũng là thời điểm các bữa tiệc tất niên gia tăng, kéo theo đó là hiện tượng tài xế “say xỉn” điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đã có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, bị xử phạt tước giấy phép, mất quyền lái ô tô chơi Tết.