“Tôi nghĩ vào cuối năm nay, có lẽ sau cuộc bầu cử Mỹ, các bên sẽ có thời điểm để đàm phán”, Cựu đô đốc Mỹ James G. Stavridis, người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/1.
Bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đều tranh cử cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ông Stavridis so sánh giải pháp cuối cùng của cuộc chiến Nga – Ukraine với cuộc chiến tranh Triều Tiên, suy đoán rằng Nga có thể giữ quyền kiểm soát một số khu vực của Ukraine, chẳng hạn bán đảo Crimea và hành lang trên bộ nối với Nga, trong khi Ukraine có thể tiến tới trở thành thành viên NATO.
“Tôi thấy Ukraine có thể sắp gia nhập NATO. Tôi nghĩ nội dung của thỏa thuận đó có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm nay”, ông Stavridis nói.
Theo cựu tư lệnh NATO, “cả Nga và Ukraine đều ngày càng kiệt sức vì cuộc chiến này, xét về năng lực quân sự cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế đang được áp đặt cho cả hai bên”.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinyak cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
“Đã đến lúc bắt đầu nói về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga”, ông Kalinyak nói, đồng thời cho biết cuộc chiến của Nga – Ukraine “không có giải pháp quân sự”.
“Bất kể xung đột kết thúc như thế nào, Ukraine sẽ luôn có biên giới với Nga. Nga sẽ không lùi bước”, ông Kalinyak nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho rằng, tình hình ở mặt trận đã “đóng băng”.
“Với tình trạng xung đột quân sự hiện nay, cần phải bắt đầu nói về đàm phán hòa bình. Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và Mỹ nên tham gia vào quá trình này”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Slovakia nói thêm.
Trước đó, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu James Stavridis cũng dự đoán cuộc chiến Nga – Ukraine có xu hướng kết thúc giống Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, một khu phi quân sự giữa hai bên, song các hành động đối đầu vẫn diễn ra, hay một cuộc xung đột đóng băng.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào ngày 27/7/1953 bằng một hiệp định đình chiến. Thỏa thuận này tạo ra khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời cho phép hai bên bắt đầu tiến hành trao đổi tù binh. Điều này có nghĩa là trên danh nghĩa, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần 2 năm, nhưng chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hai bên đều khẳng định luôn để ngỏ đàm phán nhưng với những điều kiện nhất định.
Moscow nêu rõ, đàm phán chỉ diễn ra khi Ukraine chấp nhận “thực tế mới về lãnh thổ”, nghĩa là công nhận sự kiểm soát của Nga đối với một phần lãnh thổ ở Ukraine, bao gồm các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập.
Trong khi đó, Kiev tuyên bố không chấp nhận đóng băng xung đột hay nhượng bộ lãnh thổ với Nga. Ukraine đang ở thế khó khi xung đột tiêu hao kéo dài khiến các đồng minh, đối tác mệt mỏi, nguồn viện trợ chững lại.
Theo giới chuyên gia, Moscow đang tìm cách kéo dài cuộc chiến ở Ukraine tới sau bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay với hy vọng một chính quyền mới ở Mỹ sẽ thay đổi chính sách hỗ trợ Kiev, kéo theo phản ứng tương tự ở các nước châu Âu.