Tăng giá điện để giảm lỗ
Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, theo dự báo của Quy hoạch điện 8, giai đoạn 2023 – 2025 cần đưa vào vận hành khoảng 19.000 MW nguồn điện mới; trong đó có điện than, khí, thủy điện, điện gió trên bờ và cả điện nhập khẩu. Tuy vậy, nội dung tờ trình của Bộ Công thương cho thấy, nguy cơ chậm tiến độ các dự án nguồn rất lớn, đặc biệt với nguồn nhiệt điện và điện gió trên bờ. Giải pháp tình thế là phải tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực, cụ thể là từ Trung Quốc và Lào.
Đặc biệt, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà được coi là giải pháp ưu tiên để đảm bảo an ninh cung cấp điện thì đến nay vẫn chưa có. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và các doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi gặp nhiều khó khăn; vướng hành lang pháp lý về quy hoạch không gian biển quốc gia, về chủ trương đầu tư…
Như vậy, mặc dù đã có Quy hoạch điện 8 được gần 9 tháng (phê duyệt tháng 5.2023), song đến nay tiến độ các dự án nguồn điện bổ sung phục vụ nhu cầu từ nay đến năm 2025 theo dự thảo tờ trình kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vẫn còn khá mông lung. Trường hợp xấu nhất, chậm tiến độ các dự án nguồn, dẫn đến thiếu điện, ngành điện phải tăng chạy điện bằng dầu, tăng sản lượng tại các nhà máy điện than…
Lúc đó, viễn cảnh giá thành sản xuất điện tiếp tục tăng cao, ngành điện sẽ lỗ lũy kế tăng. Trong khi năm 2023, theo báo cáo của EVN, tập đoàn lỗ khoảng 17.000 tỉ đồng (dù có 2 lần điều chỉnh giá điện sinh hoạt). Tính chung 2022 – 2023, EVN vẫn còn lỗ khoảng 38.000 tỉ đồng, đó là chưa tính khoản lỗ tỷ giá bị treo từ các năm trước khoảng 14.000 tỉ đồng.
Cũng vì lỗ mà tại cuộc họp mới đây, Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện trong năm nay. Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN) cho rằng việc tăng giá điện trong năm nay là điều tất yếu. Lý do là mức tăng 2 lần của giá điện trong năm qua chưa đủ để bù lại khoản lỗ quá lớn từ các năm trước khi đại dịch bùng nổ, chi phí sản xuất điện tăng quá mạnh do giá than, giá dầu thế giới tăng, nhưng giá bán điện phải kìm lại để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Quyết định 24/2017 của Chính phủ quy định cứ 6 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần, hiện EVN và Bộ Công thương đang kiến nghị sửa đổi điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. Nếu theo đúng quy định tại Quyết định 24, giá điện có thể được điều chỉnh vào tháng 5.2024, theo hướng tăng tiếp. Mức tăng dưới 3% thì thuộc quyền EVN, dưới 5% thuộc Bộ Công thương, cao hơn thì do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Tôi nghĩ mong muốn của Bộ Công thương cũng như các đơn vị tham mưu cho Bộ là muốn cải tổ giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, năm 2024 việc này là khó khả thi do nền kinh tế không chống chịu nổi nếu tăng mạnh giá điện. Hiện tại, các dự án điện khí có trong Quy hoạch điện 8 có tổng công suất 24.000 MW nguy cơ giá mua cao tương đương giá ưu đãi FIT trước đây. Nên nếu giá bán điện tiếp tục thấp hơn giá mua, lỗ lũy kế của EVN sẽ tăng, bài toán tiền và phát triển bền vững của ngành lại gặp nhiều thách thức hơn”, TS Nguyễn Huy Hoạch phân tích.
Có thể chia nhỏ lần tăng trong năm ?
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, điện là mặt hàng thiết yếu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay vào sản xuất tiêu dùng. Năm 2024 được dự báo chưa hết khó, nên việc tăng giá điện cần phải tính toán, cân nhắc kỹ; xem xét kỹ chi phí đầu vào sản xuất điện, vấn đề an sinh xã hội và mục tiêu vĩ mô thế nào. Bộ Công thương đang xin sửa Quyết định 24 cho 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần. Như vậy, nếu giá nguyên liệu biến động, có thể cho điều chỉnh sớm hơn để việc sản xuất, kinh doanh, đầu tư của ngành điện sớm ổn định hơn.
“Năm 2023, ngành điện đã 2 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 5 và tháng 11, tuy nhiên mức điều chỉnh không cao, tổng 2 lần tăng là 7,5%, trong khi theo báo cáo tăng 13% mới đủ bù chi phí đầu vào. Sau 2 lần tăng giá điện, chúng ta vẫn thấy lạm phát không bị ảnh hưởng. Song cần lưu ý là lần tăng giá điện thứ 2 rơi vào tháng 11.2023, nên tác động rất ít tới CPI của năm 2023. Tuy vậy, trong quý đầu năm nay, sự tác động sẽ thấy rõ ràng hơn. Trong tháng đầu năm, CPI tăng 0,31% so với tháng 12.2023. Trong rổ khiến CPI tăng có giá điện tăng 1,29% so với tháng trước”, ông Long phân tích và đề nghị để giảm sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng an sinh xã hội, biên độ tăng giá điện trong năm nay, nếu có, cũng nên ở mức thấp.
Cần thiết thì chia nhỏ lần tăng giá ra thành 2 lần trong năm như cách làm năm ngoái. Chẳng hạn, theo tính toán của ngành điện, phải tăng 6% mới đủ, nên chia ra tăng làm 2 lần và tránh tăng vào những tháng nắng nóng, khi nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng cao.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Hoạch nói rằng giá điện nên tăng vào đầu quý 2, hoặc giữa quý 3 nhằm tránh các tháng cao điểm nắng nóng. “Cập nhật đến lúc này cho thấy, EVN đang có chiến lược phòng bị để tránh bị thiếu điện tại miền Bắc vào mùa nắng nóng rất sớm. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện tăng dự trữ than, việc trùng tu các tổ máy đều được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên hơn.
Thứ hai, nước về các hồ thủy điện đã được tích trữ từ tháng 8 năm ngoái, tránh trường hợp lúc cao điểm nắng nóng, nước về không đủ phát điện. Thứ ba, dự trữ dầu diesel để khi thủy điện không đủ, có thể dùng dầu chạy phát điện bổ sung ngay. Tôi đánh giá cao sự chủ động này nên kỳ vọng không bị thiếu điện. Nhưng để không thiếu điện, ngay chi phí dầu để chạy điện tốn kém rất lớn. Giá điện tăng lúc nào cũng nên tránh các tháng 5 – 7 trong năm”, ông Hoạch nói.
Theo các chuyên gia, năm 2024, nguồn cung điện vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng thiếu điện vẫn khá cao, cho dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không để thiếu điện sinh hoạt sản xuất và phải có giải pháp phòng bị từ sớm. Đến nay, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 chưa có gì cụ thể, các công trình nào được ưu tiên đưa vào xây dựng vẫn chưa thấy đâu. Đường dây 500 kV mạch 3 chỉ dài hơn 500 km, cần vốn đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng đang được đôn đốc triển khai.