Philippines phủ nhận “thỏa thuận đặc biệt” với Trung Quốc, Houthi tiếp tục phóng tên lửa vào tàu chiến Mỹ, Nga lập vùng cấm bay trên các cơ sở năng lượng trọng yếu… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara tại lễ ký kết thỏa thuận miễn thị thực chung giữa Trung Quốc và Thái Lan tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/1/2024. (Nguồn: CGTN) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Tàu chiến Nga tập trận chống ngầm ở Biển Đông: Hãng thông tấn Interfax ngày 29/1 đưa tin, khinh hạm Marshal Shaposhnikov thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành tập trận chống ngầm ở Biển Đông. Sau khi phát hiện một tàu ngầm giả định của đối phương và xác nhận tọa độ từ một phi đội trực thăng, tàu chiến phóng ngư lôi và mìn – các loại vũ khí tác chiến chống ngầm.
Interfax cho biết thêm, một phân đội tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, bao gồm soái hạm của hạm đội là tàu tuần dương Varyag và khinh hạm Marshal Shaposhnikov đang thực hiện “chuyến hành trình đường dài” bao gồm khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Trong khi đó, hãng thông tấn RIA đưa tin các tàu đã rời cảng Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga, vào ngày 22/1. (AFP)
*Indonesia bắt giữ 3 công dân Mexico liên quan vụ tấn công tại Bali: Cảnh sát tỉnh Bali của Indonesia cho biết đã phối hợp với lực lượng cảnh sát quốc gia bắt giữ 3 công dân Mexico bị tình nghi liên quan đến vụ tấn công bằng súng nhằm vào một công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Badung, Bali, hồi đầu tuần trước.
Người phát ngôn Văn phòng Quan hệ Công chúng của Cảnh sát Khu nghỉ dưỡng Badung Ketut Sudana, Bali, ông Ketut Sudana ngày 29/1 cho biết vụ việc xảy ra vào ngày 23/1. Nạn nhận là Turan Mehmet, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ 30 tuổi, bị tấn công ngay tại nhà riêng, khu biệt thự hạng sang ở Tumbak Bayuh, Mengwi, Badung, Bali.
Cảnh sát vẫn chưa xác định được động cơ đằng sau vụ tấn công giết hại công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, có nghi ngờ rằng vụ nổ súng có thể liên quan đến tống tiền. (Jakarta Post)
*Trung Quốc, Thái Lan tham vấn về quan hệ song phương: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 28/1 đã có cuộc tham vấn thường niên với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara tại Bangkok.
Tại cuộc tham vấn, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc và Thái Lan là một gia đình, hai nước có nhiều cơ hội mới và cần phải triển khai những hành động mới nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa và xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Thái Lan chia sẻ tương lai ổn định, phồn thịnh và bền vững hơn, tăng cường hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực và không ngừng bổ sung những khía cạnh mới cho quan hệ song phương.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Parnpree nhấn mạnh Bangkok coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Bắc Kinh, luôn tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và không tham gia bất cứ hoạt động giao lưu chính thức nào với chính quyền Đài Loan. (Bangkok Post)
*Hàn Quốc phát triển máy bay trinh sát không người lái xuất phát từ tàu chiến: Cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng quốc gia (DAPA) của Hàn Quốc ngày 29/1 cho biết nước này đặt mục tiêu phát triển loại máy bay trinh sát không người lái có thể triển khai từ tàu chiến vào năm 2028 nhằm tăng cường năng lực giám sát các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tháng 12/2023, DAPA đã ký hợp đồng trị giá 143,3 tỷ won (107,1 triệu USD) với công ty quốc phòng Hanwha Systems để phát triển máy bay cánh quay với thời gian là 12 năm 2028. Đây là máy bay được thiết kế để triển khai cho các tàu chiến cũng như các đơn vị Thủy quân lục chiến trên các đảo phía Tây Bắc gần biên giới với Triều Tiên để thực hiện các nhiệm vụ giám sát và trinh sát.
DAPA kỳ vọng loại máy bay mới này sẽ mở rộng khả năng trinh sát khu vực biên giới và xác định trước các dấu hiệu khiêu khích của đối phương và các nước láng giềng. (Yonhap)
*Hải quân Ấn Độ giải cứu thuyền đánh cá Iran ngoài khơi Somalia: Hải quân Ấn Độ ngày 29/1 cho biết họ đã giải cứu một tàu đánh cá Iran bị cướp biển ngoài khơi Somalia trong vụ tấn công mới nhất nhằm vào các tàu ở Ấn Độ Dương.
Người phát ngôn hải quân Ấn Độ nói: “Tàu đánh cá đã bị cướp biển tấn công và thủy thủ đoàn bị bắt làm con tin”. Tàu đánh cá được nhắc đến có tên Iman, treo cờ Iran. Hải quân Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh tàu chiến của họ đã “đảm bảo giải thoát thành công tất cả 17 thành viên thủy thủ đoàn cùng với tàu cá”. (AFP)
*Philippines phủ nhận “thỏa thuận đặc biệt” với Trung Quốc ở Biển Đông: Ngày 29/1, Philippines đã phủ nhận Trung Quốc có một “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” với nước này về việc cho phép chuyển hàng tiếp tế cho các binh sĩ Philippines đóng tại một con tàu bị mắc cạn ở rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, gọi đó là “một sự bịa đặt của trí tưởng tượng”.
Phát biểu với đài truyền hình quốc gia PTV-4, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya khẳng định: “Không có thỏa thuận tạm thời như vậy”.
Trước đó ngày 27/1, Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc tạm thời cho phép Philippines tiếp tế thực phẩm và nước uống cho các binh sĩ đóng trên tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông từ năm 1999, cách bờ biển tỉnh Palawan 190km. (AFP)
Trung Đông-Châu Phi
*Houthi tiếp tục phóng tên lửa vào tàu chiến Mỹ ở Vịnh Aden: Người phát ngôn phong trào Hồi giáo Houthi tại Yemen Yahya Saree ngày 29/1 xác nhận phong trào này đã phóng tên lửa nhằm vào một tàu đổ bộ viễn chinh Lewis B.Puller của Hải quân Mỹ ở Vịnh Aden.
Trong tuyên bố, ông Saree nêu rõ: “Để đáp trả hành động gây hấn của Mỹ-Anh nhằm vào đất nước chúng ta… đêm qua, Hải quân Yemen đã bắn một tên lửa thích đáng vào tàu Hải quân Mỹ Lewis B. Puller khi tàu này đang di chuyển ở Vịnh Aden”. (Sputnik News)
*Iran xử tử 4 người với cáo buộc liên hệ với tình báo Israel: Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, ngày 29/1, nước này đã thực thi bản án tử hình đối với 4 người mà lực lượng Iran cho rằng có liên hệ với một chiến dịch tình báo của Israel, sau khi Tòa án Tối cao bác bỏ đơn kháng cáo.
Những đối tượng trên bị cáo buộc xâm nhập trái phép lãnh thổ Iran từ khu vực Kurdistan của Iraq để thực hiện hoạt động đánh bom tại một nhà máy có trụ sở tại Isfahan sản xuất thiết bị cho Bộ Quốc phòng Iran.
Theo truyền thông, hoạt động đánh bom này dự định diễn ra vào mùa Hè năm 2022 thay mặt cơ quan tình báo Mossad của Israel và bị tình báo Iran ngăn cản. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Houthi thừa nhận đã ‘đánh thẳng’ vào 2 tàu chiến Mỹ ở gần Biển Đỏ |
*Nổ lớn gần đền thờ ở Syria, nhiều người thương vong: Theo hãng tin Iran Sham FM, ngày 29/1 đã xảy ra một số vụ nổ gần khu phức hợp đền thờ Sayyeda Zeinab ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và một vài người khác bị thương.
Một nguồn tin trong liên minh khu vực của Iran cho rằng vụ tấn công này đã nhắm trúng một địa điểm được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sử dụng. Hiện chưa có phản hồi của chính quyền Syria về vụ việc. Trong khi, phát ngôn viên của quân đội Israel cũng từ chối bình luận về vụ nổ. (Reuters)
*Israel tái triển khai quân đội tới miền Bắc Dải Gaza: Đài phát thanh Quân đội Israel ngày 29/1 đưa tin Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) dự kiến sẽ tăng cường hiện diện trở lại phía Bắc Dải Gaza trong những tuần tới để đối phó với việc Hamas đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
Theo đó, IDF đang lên kế hoạch thực hiện một số cuộc tấn công cấp sư đoàn, tức là quy mô lớn, tại các khu vực mà các chiến binh Hamas đang hoạt động mạnh trở lại với ý đồ khôi phục quyền quản lý các thị trấn ở miền Bắc Dải Gaza.
Theo ước tính của IDF, có khoảng 2.000 tay súng Hamas vẫn còn bám trụ ở miền Bắc Gaza. Đêm 28/1, lực lượng này đã nối lại hoạt động bắn tên lửa vào thành phố Ashkelon của Israel sau hơn một tháng im hơi. IDF cũng ghi nhận một số vụ đụng độ dọc theo bờ biển phía Bắc Dải Gaza trong 24 giờ qua, trong đó Israel đã phá hủy một đường hầm và tiêu diệt 5 tay súng của lực lượng Hamas. (Times of Israel)
Châu Âu
*Tổng thống Nga V.Putin chính thức đăng ký tranh cử: Ngày 29/1, Ủy ban bầu cử trung ương Liên bang Nga đã đăng ký Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin làm ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới.
Ông Putin trở thành ứng cử viên thứ tư đăng ký tranh cử. Trước đó, Ủy ban đã đăng ký Chủ tịch đảng Dân chủ-Tự do đối lập Leonid Slutski, thành viên đảng “Những con người mới” Vladislav Davankov, nghị sĩ Gosduma (Hạ viện) thuộc khối đảng Cộng sản LB Nga trong Quốc hội Nikolai Kharitonov.
Ngày 16/12/2023, ông Putin được nhóm sáng kiến ủng hộ ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập. Ngày 22/1 vừa qua, ban tranh cử của ông Putin đã nộp hồ sơ đăng ký tranh cử lên Ủy ban bầu cử trung ương. Cuộc bầu cử tổng thống LB Nga sẽ diễn ra từ ngày 15-17/3 tới. (Sputnik News)
*Moscow lên kế hoạch lập vùng cấm bay trên các cơ sở năng lượng trọng yếu: Ngày 29/1, Bộ Năng lượng Nga soạn thảo kế hoạch đề xuất thiết lập vùng cấm bay trên các cơ sở năng lượng trọng yếu của Nga. Theo đó, Vùng cấm bay này áp dụng đối với tất cả các thiết bị bay, khí cầu, khí cầu nhiệt hoặc khí cầu hỗn hợp, khí cầu viễn thám.
Để bay qua các cơ sở này cần phải có giấy phép của Trung tâm điều phối liên ngành có sự tham gia của Cơ quan an ninh Nga (FSB), Lực lượng cảnh vệ quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ giao thông và Bộ năng lượng.
Hiện Nga chưa có quy định hạn chế bay trên các cơ sở năng lượng trọng yếu. Cuối tháng 12/2023, Tổng thống Nga V.Putin đã ban hành sắc lệnh cho phép lực lượng bảo vệ tư nhân của các cơ sở này bắn hạ các thiết bị bay không người lái. Hơn 80% các cơ sở nhiên liệu-năng lượng của Nga sử dụng đơn vị bảo vệ tư nhân.
Theo phó chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về Pháp luật Hiến pháp và Xây dựng Nhà nước, Irina Rukavishnikova cho biết, trong năm 2023 đã xảy ra 45 vụ tấn công phá hoại vào các cơ sở nhiên liệu-năng lượng của LB Nga. (TASS)
*Tổng thống Ukraine tiết lộ số dân và số quân sau 2 năm xung đột với Nga: Trong phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình Đức ARD, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết hiện dân số Ukraine vào khoảng 30 triệu người. Trong 2 năm xung đột với Nga, khoảng 6,5 – 7,5 triệu người đã rời khỏi đất nước.
Cũng theo thông tin từ Tổng thống Zelensky, hiện quân đội Ukraine có 880.000 binh sĩ, trong đó 600.000 là lực lượng bộ binh.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê Ukraine, đến ngày 1/6/2021 Ukraine có 41,38 triệu dân. Vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã, dân số Ukraine là 52 triệu. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Nga Putin khẳng định ‘không thể có động cơ khác’ khi nói về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine |
*Nhật Bản, Đức ký hiệp ước chia sẻ nguồn cung quân sự: Ngày 29/1, Nhật Bản và Đức đã ký hiệp ước quân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi vật tư và hỗ trợ hậu cần, trong bối cảnh hai nước mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiệp ước song phương này sẽ cho phép sử dụng cơ sở vật chất của mỗi bên trong các cuộc tập trận chung, động thái cần phải được quốc hội Nhật Bản chấp thuận vì Đức không cần thực hiện các thủ tục trong nước.
Ngoại trưởng Kamikawa nói với Đại sứ Goetze rằng hiệp ước mới sẽ cho phép Nhật Bản và Đức cùng nhau “chủ động đóng góp cho hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế”.
Đối với Nhật Bản, Đức trở thành đối tác ACSA thứ 7, sau Mỹ, Australia, Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ. (Kyodo)
*EU sẽ có biện pháp nếu Hungary phủ quyết gói hỗ trợ Ukraine: Tờ Financial Times ngày 28/1 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ “phá hủy” nền kinh tế Hungary nếu Budapest chặn gói cứu trợ mới dành cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của khối này dự kiến diễn ra trong tuần này.
Bình luận về thông tin này, Bộ trưởng phụ trách EU của Hungary, ông Janos Boka trả lời trên FT rằng Budapest không biết gì về mối đe dọa tài chính này, tuy nhiên nước này không chấp nhận bị gây sức ép.
Trong một diễn biến khác, trên mạng xã hội X, cố vấn của Thủ tướng Orban viết Hungary sẵn sàng sử dụng ngân sách EU cho đề xuất gói cứu trợ 50 tỉ euro (54,24 tỉ USD) cho Ukraine. (Financial Times)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Rơi máy bay tại Đông Nam Brazil, ít nhất 7 người thiệt mạng: Giới chức Brazil cho biết ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay cỡ nhỏ xảy ra ngày 28/1 tại bang Minas Gerais, Đông Nam nước này.
Sau khi cất cánh rời khu Campinas, thuộc bang Sao Paulo lân cận, máy bay loại một động cơ dường như gặp trục trặc giữa không trung và rơi xuống thành phố Itapeva vào khoảng 10h30 giờ địa phương (tức 20h30 giờ Việt Nam). Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 7 người trên máy bay gặp nạn. Những hình ảnh do người dân địa phương đăng tải trên mạng xã hội cho thấy xác của máy bay nằm trên một sườn đồi.
Nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. (AP)