Các nhà máy lọc dầu của Nga thường không phải là chủ đề của truyền thông, nhưng gần đây đã xuất hiện trên trang nhất các báo khi các máy bay không người lái (UAV hoặc drone) tầm xa mới của Ukraine nhắm mục tiêu vào một số cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Moscow.
Các cuộc tấn công quân sự cho thấy Ukraine đã thay đổi chiến thuật và ngày càng nhắm mục tiêu vào lĩnh vực dầu khí – “con bò sữa” giúp “hái” ra tiền cho Điện Kremlin. Các cuộc tấn công cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông vì chúng đặt ra những câu hỏi lớn về cách ngành năng lượng Nga đối phó với áp lực thời chiến.
Đó là nhận định của ông Sergey Vakulenko, nhà phân tích năng lượng độc lập và nhà tư vấn cho một số công ty dầu khí Nga và quốc tế, trong một bài đăng hồi cuối tuần qua trên website của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Trong bài viết của mình, ông Vakulenko đã làm rõ vai trò của các nhà máy lọc dầu đối với nền kinh tế Nga dù chúng không trực tiếp tạo ra nguồn thu khổng lồ như dầu thô.
“Một mặt, thu nhập bổ sung mà Nga nhận được từ việc xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu là tương đối không đáng kể so với những gì nước này kiếm được từ việc bán trực tiếp dầu thô. Trớ trêu thay, hệ thống thuế của Nga có nghĩa là nhà nước sẽ thất thu nếu các công ty năng lượng xuất khẩu sản phẩm lọc dầu thay vì dầu thô”, ông Vakulenko cho biết.
“Mặt khác, xuất khẩu các sản phẩm dầu cho phép Nga nhắm tới nhiều phân khúc của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Và tất nhiên, các nhà máy lọc dầu rất quan trọng đối với cả nền kinh tế Nga cũng như chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine: ô tô, xe tải, máy kéo, máy gặt, xe tăng, tàu chiến và máy bay đều cần xăng, dầu diesel và nhiên liệu; chúng không thể chạy bằng dầu thô”, vị chuyên gia nói thêm.
Mối đe dọa từ máy bay không người lái tầm xa
Vào ngày 21/1, một vụ hỏa hoạn đã bắt đầu tại khu phức hợp hóa dầu Ust-Luga ở phía Tây Bắc nước Nga, gần St Petersburg, thuộc sở hữu của gã khổng lồ năng lượng Novatek. Truyền thông Ukraine cho biết nguyên nhân là do một cuộc tấn công bằng drone tầm xa.
Trong khi Novatek nổi tiếng với việc sản xuất và bán LNG, thì nhà máy Ust-Luga bên Biển Baltic sản xuất các sản phẩm dầu mỏ như naphtha và nhiên liệu máy bay từ khí ngưng tụ ổn định, tất cả đều được xuất khẩu. Vụ tấn công bằng drone gây ra hỏa hoạn khiến nhà máy phải đóng cửa ít nhất một tuần để tiến hành sửa chữa.
Chỉ vài ngày sau đó, vào ngày 25/1, một vụ hỏa hoạn khác lại xảy ra tại nhà máy lọc dầu Tuapse bên Biển Đen thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft. Ngọn lửa ở đó cũng nhanh chóng được dập tắt, nhưng đây là một trong nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng bị hỏa hoạn hoặc tấn công bằng drone trên khắp nước Nga trong những tuần gần đây.
Nhà máy lọc dầu Tuapse là nhà máy lọc dầu lớn duy nhất ở Nga nằm trên bờ Biển Đen và là một trong những nhà máy lâu đời nhất nước này, được xây dựng vào năm 1929. Công suất hàng năm của nhà máy là 12 triệu tấn, hay 240.000 thùng mỗi ngày.
Giống như tổ hợp Ust-Luga, nhà máy Tuapse chủ yếu tập trung vào xuất khẩu, phục vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Nhà máy bên Biển Đen cũng sản xuất các sản phẩm dầu mỏ tương tự như của Ust Luga, bao gồm naptha, dầu nhiên liệu, dầu chân không và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao.
Đáng chú ý, Ust-Luga và Tuapse không phải là những cơ sở lọc hóa dầu duy nhất của Nga hứng chịu các tai ương từ đầu năm đến nay. Vào ngày 12/1, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà máy lọc dầu Kstovo thuộc sở hữu của Lukoil, công ty năng lượng tư nhân hàng đầu của Nga, khiến các thương nhân lo lắng vì đây là một nhà sản xuất lớn khác.
Theo ông Vakulenko, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có nghĩa là Lukoil có thể không sửa được máy nén khí bị lỗi trong vài tháng – chứ không phải vài tuần như dự kiến.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào Tuapse, sử dụng drone tầm xa mới để tấn công nhà máy cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát khoảng 1.000 km. Ust-Luga cũng cách Ukraine khoảng 600 km.
Các cuộc tấn công dường như nhằm hạn chế khả năng sản xuất các sản phẩm dầu mỏ cần thiết để Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như nhằm giảm doanh thu mà Moscow kiếm được từ xuất khẩu “vàng đen”.
“Các cuộc tấn công vào các kho chứa dầu và cơ sở lưu trữ dầu làm gián đoạn các tuyến đường hậu cần và làm chậm hoạt động chiến đấu của Nga”, bà Olena Lapenko, chuyên gia an ninh năng lượng tại nhóm nghiên cứu DiXi Group của Ukraine, nói với tờ New York Times.
“Việc gián đoạn nguồn cung dầu – được ví như huyết mạch cần thiết cho cơ thể con người – là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine nhằm chống lại Nga trên chiến trường”, bà Lapenko nói thêm.
Theo hướng này, không loại trừ khả năng nhiều cuộc tấn công tương tự sẽ được tiến hành, nhằm vào các nhà máy lọc dầu khác của Nga đang sản xuất các sản phẩm dầu cho thị trường nội địa.
“Hai nhà máy lọc dầu bị Ukraine tấn công trong tháng 1 đều hướng tới xuất khẩu và không đóng vai trò chính ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, nếu các drone nhỏ mang theo không quá 5 kg chất nổ có thể tiếp cận Ust-Luga, cách xa lãnh thổ Ukraine, điều này có nghĩa là có tổng cộng 18 nhà máy lọc dầu của Nga với công suất tổng cộng là 3,5 triệu thùng/ngày. (hơn một nửa tổng công suất của các nhà máy trên toàn nước Nga) có thể là mục tiêu”, ông Vakulenko dự đoán.
Tác hại của chiến dịch “tấn công quấy nhiễu”
Ngành dầu khí được cho là ngành sinh lợi lớn nhất cho Nga, nhưng cũng là “điểm yếu hại” của nước này. Tính dễ bị tổn thương của Nga trước việc nguồn cung các sản phẩm dầu trong nước giảm được thể hiện rõ bởi cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa hè năm ngoái, khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhiên liệu khiến giá xăng dầu tăng cao.
Mặc dù các drone cảm tử tấn công các nhà máy lọc dầu có thể tạo hiệu ứng hình ảnh là những quả cầu lửa khổng lồ, nhưng trên thực tế, các nhà máy lọc dầu của Nga được bảo vệ tốt hơn nhiều trước các cuộc không kích nhờ các quy tắc chặt chẽ có từ thời Liên Xô.
“Quy tắc xây dựng của Nga – tàn tích của Chiến tranh Lạnh – giúp các nhà máy lọc dầu có khả năng chống chịu các cuộc ném bom truyền thống. Và họ thường có sẵn rất nhiều thiết bị chữa cháy”, ông Vakulenko nói. “Điều này có nghĩa là các drone không thể phá hủy toàn bộ nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, chúng có thể tạo ra hỏa hoạn. Và nếu đối phương may mắn tấn công được một đơn vị phân đoạn khí đốt, họ thậm chí có thể gây ra một vụ nổ lớn hơn”.
Các vụ cháy ở cả 2 nhà máy lọc dầu xảy ra trong tuần trước đã được dập tắt nhanh chóng và mặc dù thiệt hại đáng kể đã xảy ra, 2 nhà máy lọc dầu này dự kiến sẽ hoạt động trở lại tương đối nhanh chóng, ông Vakulenko nói, mặc dù với công suất giảm đi.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, ngành dầu mỏ của Nga đã được hiện đại hóa, nỗ lực này được tăng tốc nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Sau khi đồng Rúp giảm xuống còn 1/4 mức trước khủng hoảng, các công ty dầu mỏ của Nga vẫn là những “con bò sữa” giúp hái ra tiền. Trong khi chi phí của họ, tính bằng đồng Rúp, đã giảm 3/4, thì doanh thu tính bằng đồng USD của họ vẫn giữ nguyên. Số tiền đầu tư vào các công ty dầu mỏ của Nga năm 1999 nhiều hơn tất cả thập kỷ trước đó.
Ngành dầu mỏ của Nga trở nên phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhập khẩu, một xu hướng đột ngột dừng lại vào năm 2022 sau chiến dịch quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine, khiến mô hình hội nhập toàn cầu bị phá bỏ, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững công nghiệp lâu dài của Nga trong sự cô lập.
Ví dụ, việc thiếu khả năng tiếp cận công nghệ được cho là một vấn đề rất lớn tại nhà máy lọc dầu Kstovo của Lukoil do máy nén khí bị lỗi gây ra vụ cháy.
“Lukoil gần như chắc chắn sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc tích hợp các bộ phận không nguyên bản. Trong trường hợp xấu nhất, nhà máy lọc dầu thậm chí có thể cần mua thiết bị hoàn toàn mới”, ông Vakulenko nói.
“Đúng là máy nén khí không phải là loại máy đặc biệt phức tạp và chúng được sản xuất bởi các nhà máy của Nga và Trung Quốc. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề của Lukoil – giống như các vị không thể thay thế bộ ly hợp bị lỗi trong một chiếc BMW bằng một bộ phận tương tự của một chiếc Lada do Nga sản xuất. Điều tương tự cũng được áp dụng trong công nghiệp. Và việc làm quen với những thứ sẵn có sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề nảy sinh”.
Một trở ngại đáng kể đối với Lukoil và có thể đối với các nhà máy lọc dầu Tuapse và Ust-Luga là phải nhận được phê duyệt sửa chữa từ các cơ quan giám sát an toàn của Nga. Các quy định hiện hành yêu cầu phải tuân thủ các thông số kỹ thuật và linh kiện sửa chữa của nhà sản xuất gốc, một thách thức khổng lồ khi các nhà sản xuất thiết bị gốc không bán phụ tùng của họ cho Nga do chế độ trừng phạt mà phương Tây áp đặt.
Kết quả cuối cùng là mặc dù drone của Ukraine không đủ mạnh để phá hủy các nhà máy lọc dầu của Nga nhưng chúng có giá thành sản xuất rẻ và Ukraine có số lượng lớn, nên Kiev có khả năng thực hiện một chiến dịch “tấn công quấy nhiễu” kéo dài, ông Vakulenko nói.
“Với một chút may mắn, những chiếc drone giá rẻ có thể làm hỏng không chỉ đường ống mà còn cả máy nén, van, bộ điều khiển và các thiết bị khác khó thay thế vì các đòn trừng phạt”, vị chuyên gia bổ sung.
Chiến lược mới nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga thể hiện một thách thức mới và nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi công nghiệp của Nga, đồng thời làm tăng áp lực lên nền kinh tế trong việc cung cấp cho nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin.
Trong khi Nga tự hào có cơ sở công nghiệp lớn hơn Ukraine, thì sự cô lập quốc tế của nước này có nghĩa là việc sửa chữa khó khăn hơn nhiều, do đó, ngay cả những cuộc tấn công phiền toái cũng có thể tác động đáng kể đến cục diện chiến trường.
“Làn sóng tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở miền Tây nước Nga có thể để lại các hậu quả rất nghiêm trọng. Dù thế nào đi nữa, khả năng phục hồi và sự khéo léo dự trữ của Nga có vẻ sẽ bị thách thức. Tốc độ và chất lượng sửa chữa tại Kstovo, Ust-Luga và Tuapse sẽ là phép thử cho sức bền của Moscow”, ông Vakulenko kết luận.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Business Insider)