Vượt qua biến cố mất mẹ, Lưu Văn Khoa, 23 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa khối sư phạm của Đại học Đà Lạt và được tuyển thẳng làm giáo viên trường chuyên ở TP HCM.
Giữa tháng 1, biết tin được TP HCM tuyển thẳng theo diện sinh viên xuất sắc, hình ảnh đầu tiên lóe lên trong Khoa là mẹ. Chàng trai quê Bảo Lộc thầm nghĩ nếu mẹ còn sống hẳn sẽ mãn nguyện với cột mốc mới của mình. Đó cũng là cảm xúc của Khoa khi bước lên bục vinh danh thủ khoa tốt nghiệp khối ngành sư phạm của trường Đại học Đà Lạt, tháng 6/2023.
“Mỗi sự kiện quan trọng trong đời em đều nghĩ đến mẹ, tin rằng mẹ vẫn dõi theo hành trình của mình dù ở nơi xa xôi”, Khoa xúc động.
Mồ côi cha khi mới 7 tuổi, mẹ đưa Khoa về nhà ngoại ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, sinh sống. Hình ảnh về bố trong ký ức của Khoa là một trưởng trạm y tế cần mẫn, được phân công đến vùng kinh tế khó khăn của Bình Thuận. Vì thế, thời phổ thông, chàng trai này nuôi ước mơ theo ngành Y, tiếp nối công việc của bố.
Suốt 12 năm học, Khoa không đi học thêm. Nam sinh dành nhiều thời gian mày mò, tìm hiểu thêm kiến thức môn Toán và Sinh học để thi khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) vào ngành Y khoa. Năm lớp 10, 11, Khoa giành giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, huy chương bạc Olympic 30/4 môn Sinh học.
Nhưng đến năm lớp 12, nghĩ về hoàn cảnh gia đình, Khoa nhận thấy học Y không khả thi. Thời gian học Y kéo dài 6 năm, học phí khá cao trong khi đồng lương công nhân của mẹ không dư dả, Khoa chọn học Sư phạm Toán ở trường Đại học Đà Lạt để được gần mẹ, lại không tốn học phí.
“Mẹ luôn muốn em được trưởng thành trong điều kiện tốt nhất có thể. Lúc mới vào năm thứ nhất, em muốn học vượt để sớm ra trường đi làm nhưng mẹ muốn em vừa học, vừa tham gia hoạt động phong trào, trải qua thời sinh viên trọn vẹn, đáng nhớ”, Khoa kể.
Nam sinh nói thói quen tự học thời phổ thông giúp thích nghi tốt với môi trường đại học và phương pháp dạy của giảng viên, giữ thành tích ổn định. Học môn nào, Khoa cũng muốn nắm rõ bản chất kiến thức nên tự tìm thêm tài liệu, sách tham khảo trong và ngoài nước để đọc thêm. Ngoài ra, Khoa thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, Đoàn, Hội ở trường.
Tháng 10/2021, đang ngồi trên giảng đường, Khoa nhận được cuộc gọi báo mẹ mất vì tai nạn giao thông. Biến cố đột ngột ập đến khiến em chới với, mất phương hướng. Nghỉ học hơn hai tuần, được người thân, bạn bè, thầy cô động viên, Khoa cố gắng trở lại trường.
Lúc đầu, tâm lý của nam sinh vẫn chưa ổn định, thường chán nản, thậm chí nghĩ đến bỏ học. Khoa sau đó nhận ra phải nỗ lực nhiều hơn trước đây, sống tốt như nguyện vọng của mẹ.
Nhớ lại khoảng thời gian này, thầy Lê Vũ Đình Phi, Trưởng khoa Sư phạm, trường Đại học Đà Lạt, cho biết Khoa rất trầm, khép mình. Mất một thời gian, nam sinh mới dần cởi mở, quay lại tham gia các hoạt động phong trào, bên cạnh việc học.
“Khoa là một trường hợp rất đáng khâm phục. Trải qua biến cố lớn nhưng em đã vực dậy, giữ kết quả học tập tốt và tốt nghiệp thủ khoa với điểm trung bình học tập 3.73/4”, thầy Phi nói.
Khoa cho biết được nhiều thầy cô khuyên học lên thạc sĩ để trở thành giảng viên đại học. Thấy hướng này phù hợp nên sau khi tốt nghiệp, Khoa về TP HCM với dự định đi làm thêm rồi nộp hồ sơ vào chương trình thạc sĩ Toán học ở Đại học Sư phạm TP HCM hoặc Đại học Khoa học Tự nhiên.
Trong lúc chờ đợi, mẩu thông báo tuyển dụng viên chức từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ của TP HCM thu hút Khoa. Thấy mình đủ điều kiện, Khoa nộp hồ sơ. Để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, bên cạnh chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, Khoa tìm hiểu thêm Luật viên chức, Luật giáo dục và đều trả lời suôn sẻ.
Khoa là một trong ba viên chức đầu tiên được TP HCM tuyển dụng theo diện này. Ngoài mức lương tháng theo ngạch, bậc, Khoa hưởng thêm phụ cấp bằng 100% lương, tổng cả hai khoản khoảng 8,5 triệu đồng, trong vòng 5 năm, chưa tính thu nhập tăng thêm.
Chàng trai được Sở Giáo dục và Đào tạo phân công về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận việc ngay sau Tết nguyên đán.
Với Khoa, được về trường chuyên lâu đời và chất lượng hàng đầu của thành phố là vinh hạnh, cũng là thách thức. Anh mong học hỏi được nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng từ thầy cô đi trước để sớm vững vàng trong nghề.
“Tôi sẽ cố gắng vận dụng những gì mình đã có, học hỏi thêm phương pháp giảng dạy, để khơi gợi, truyền đạt đến học sinh, không chỉ là kiến thức mà còn về đạo đức, ứng xử, nhân cách”, Khoa nói.
Lệ Nguyễn