Như truyền thống chiến tranh từ xưa tới nay, trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Moscow vẫn là bên xuất phát sau trong cuộc đua “mâu – thuẫn” về máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Tuy nhiên, kể từ năm 2023, họ đã biến “thế mạnh” của Kiev trở thành ưu thế trên chiến trường của mình, cũng như phát triển hàng loạt phương án và khí tài để đối phó hiệu quả với các đòn tập kích bởi UAV tự sát của Ukraine.
Cuộc đua “thỏ và rùa”
Ngay từ khi chiến sự bùng nổ năm 2022, Ukraine chính là bên sử dụng rộng rãi nhiều loại UAV quân sự nhất, từ cỡ lớn như Bayraktar TB2 tới các loại UAV tự sát cỡ nhỏ như Fire Scout hay Phonix Ghost. Phần lớn chúng được Mỹ và phương Tây viện trợ.
Xu hướng sử dụng các loại UAV tự sát cỡ nhỏ như FPV cũng được Ukraine khởi xướng với hàng loạt video được ghi lại trên chiến trường cho thấy hiệu quả cao.
Tuy nhiên, địch thủ bên kia chiến tuyến của Ukraine chính là Nga, một siêu cường quân sự với ngành công nghiệp quốc phòng khổng lồ. Nhận thấy hiệu quả và tiềm năng của UAV, nhất là các loại UAV tự sát, Nga đã nhanh chóng học hỏi và tạo ra số lượng lớn UAV tấn công – bao gồm cả FPV – vượt trội so với đối phương.
Theo thống kê của hãng tin Lenta, nếu như trung bình mỗi tháng đầu năm 2023, con số UAV tự sát phía Nga sử dụng được xác thực bằng video vào khoảng 200-300 chiếc, thì trong thời gian cao điểm vào cuối năm, con số này đã lên tới hơn 1.000 chiếc, tức gấp từ 3-5 lần. Trong khi đó, số lượng UAV của Ukraine ngày một ít đi trong bối cảnh nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây giảm dần.
Nga có khả năng tạo ra số lượng UAV khổng lồ trong bối cảnh bị cấm vận ngặt nghèo chính là nhờ khả năng làm chủ và nội địa hóa.
UAV không chỉ “ra lò” tại các nhà máy, nhiều xưởng quy mô nhỏ cũng tham gia chuỗi sản xuất với nền tảng thiết kế sẵn có. Điều này càng thuận lợi hơn khi Nga đã chuyển toàn bộ công nghiệp quốc phòng sang thời chiến để tối ưu nguồn lực và mở rộng tối đa sản xuất.
Chỉ tính riêng UAV tự sát hay FPV, từ những hình ảnh được truyền thông Nga đăng tải, các chi tiết bằng nhựa được sản xuất bằng máy in 3D, việc làm động cơ và mạch được thực hiện trong những phân xưởng nhỏ. Đây là nguyên nhân giúp giải thích tại sao trong thời gian ngắn, Nga lại có thể vượt trội Ukraine về khả năng sản xuất và sử dụng UAV tự sát.
Cuộc đua “mâu – thuẫn” trong phát triển vũ khí
Đúng với quy luật phát triển thường thấy, nếu một loại vũ khí tấn công xuất hiện thì đi liền với nó sẽ có một loại vũ khí khắc chế. Đó chính là quy luật mâu – thuẫn.
Về UAV tự sát, đồng hành với việc phát triển số lượng và cải tiến chất lượng thì các bên – cả Nga và Ukraine – đều xây dựng các phương án đối phó với chúng trên chiến trường, từ đơn giản như tạo lưới chống UAV hay như “chiếc bu gà” phổ biến trên nóc các xe tăng, thiết giáp.
Việc sử dụng “giáp lưới” để bảo vệ phương tiện quân sự đã phổ biến từ khá lâu. Trong quá khứ, chúng được sử dụng để bảo vệ phương tiện khỏi các loại đầu đạn chống tăng động năng.
Sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, những vấn đề phát sinh để chống lại tên lửa chống tăng đột nóc như Javelin, NLAW và sau này là các loại UAV tự sát, nhiều loại lưới bảo vệ đã được mở rộng để che kín những điểm yếu của phương tiện nhằm hạn chế thiệt hại.
Hiệu suất cao của UAV tự sát Lancet của Nga đã buộc Ukraine phải áp dụng phương án đơn giản nhất chính là tạo ra một nhà lưới bọc lấy phương tiện và bảo vệ nó. Sự khác biệt chính giữa UAV tự sát và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hoặc đạn RPG là tốc độ bay thấp.
Nếu tốc độ bay trung bình của một phát bắn ATGM hoặc RPG là khoảng 600-900km/h thì tốc độ của máy bay không người lái tự sát hiếm khi vượt quá 150-200km/h. Ngoài ra, UAV tự sát thường được chế tạo từ vật liệu nhẹ hoặc nhựa nên lưới kim loại với độ bền cao tỏ ra khá hiệu quả khi ngăn chặn chúng.
“FPV được cả hai bên sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine. Đây là loại vũ khí đơn giản và hiệu quả, có khả năng tấn công bộ binh đang ẩn nấp hoặc đánh vào những điểm dễ bị tổn thương của xe bọc thép.
Loại UAV này được đặc trưng bởi khả năng cơ động và độ chính xác cao, đặc biệt nếu nó được điều khiển bởi kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm”, ông Maxim Kondratyev, cố vấn của Học viện Kỹ thuật Nga, giải thích trong cuộc trò chuyện với Russia Today.
“Lá chắn” Saniya bảo vệ xe tăng Nga
Xe tăng T-80BVM thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 9 thuộc Tập đoàn quân đoàn 1, chiến đấu ở khu vực Pervomaisky gần Avdiivka được trang bị hệ thống Saniya. Những đoạn clip được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy, hệ thống này được lắp đặt trên nóc xe tăng nhằm tạo “ô phòng thủ”, bảo vệ từ mọi phía.
“Theo tôi hiểu, Saniya là một trong số đó. Các cuộc thử nghiệm thành công, quân đội của chúng ta sẽ cần một số lượng lớn các tổ hợp như vậy để đối phó với kho UAV kiểu FPV của đối phương”, chuyên gia quân sự Yuri Knutov nói.
Theo trang tin quân sự Topwar, hệ thống Saniya – phát triển bởi công ty 3MX tại St. Petersburg – được thiết kế để bảo vệ xe bọc thép trong vùng hoạt động đặc biệt. Các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện trên xe tăng từ năm 2023.
Hệ thống này tạo ra ô bảo vệ điện từ toàn diện cho phương tiện chiến đấu nhờ phát hiện UAV ở phạm vi lên tới 1,5km, áp chế và vô hiệu hóa chúng ở cự ly 1km.
Hệ thống Saniya có khả năng tự động quét không gian xung quanh và xác định sự hiện diện của UAV trong vùng kiểm soát. Nó không chỉ có khả năng đối phó với các mục tiêu đơn lẻ, mà còn là cả các đợt tấn công bầy đàn từ UAV đối phương.
Khoảng cách áp chế phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện địa hình và đặc điểm thiết kế của UAV tự sát đối phương.
“Trước khi phát triển, việc sử dụng máy bay không người lái FPV đã được phân tích cẩn thận. Người điều khiển điều chỉnh UAV dọc theo lộ trình của phương tiện và theo quy định, tấn công vào phần phía sau, nơi đặt động cơ. Vì vậy, Saniya được lắp đặt ở đuôi xe. Tuy nhiên, nó cung cấp sự bảo vệ toàn diện xung quanh phương tiện”, ông Sergei Shandobylo chia sẻ.
Chắc chắn trong tương lai sẽ xuất hiện các loại UAV tự sát mới có khả năng vượt qua “ô phòng thủ” của Saniya. Điều đó đồng nghĩa rằng, cuộc đối đầu “mâu – thuẫn” sẽ vẫn tiếp diễn khi chiến tranh còn kéo dài.