(Dân trí) – Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), nơi được xem như thủ phủ hoa của miền Tây, trở nên nhộn nhịp. Các loại hoa bắt đầu “khoe sắc” sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nơi được xem là thủ phủ hoa lớn nhất miền Tây đang tất bật sản xuất. Người dân tập trung “chạy nước rút” chăm sóc hoa vụ Tết. Đây cũng là thời điểm các vựa, cơ sở kinh doanh phân bón, xơ dừa,… tại khu vực làng hoa trở nên nhộn nhịp.
Những tháng cuối năm, nông dân ở làng hoa Sa Đéc – làng nghề truyền thống trồng hoa hơn 100 năm tuổi, tích cực bắt tay vào sản xuất vụ hoa Tết.
Đường phố tại làng hoa dịp cuối năm luôn nhộn nhịp, hai bên đường được trang hoàng cờ đỏ sao vàng để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Vừa phục vụ Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần đầu tổ chức vào cuối năm, vừa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, so với mọi năm, vụ hoa Tết này, nông dân làng hoa có sự tính toán kỹ lưỡng hơn, xuống giống có lựa chọn để phù hợp thị hiếu khách hàng.
Trước đó dịp Tết Dương lịch, ông Nguyễn Văn Hiệp (48 tuổi) đã bán được hơn 1000 giỏ cúc mâm xôi. “Để phục vụ cho bà con mua hoa chưng dịp Tết, vườn nhà tôi chuẩn bị xuất thêm 2000 giỏ hoa cúc mâm xôi. Giá trung bình từ 150.000-200.000 đồng/giỏ hoa, tùy loại bông”, ông Hiệp nói.
Từ 6 giờ sáng đến chiều muộn, bà Hồ Thị Hương (45 tuổi) tảo tần chăm sóc vườn hoa Tết mong mùa thu hoạch được bội thu.
”Làm vườn nó phải thế, bắt đầu từ sáng sớm, trưa về nhà nghỉ chút xíu rồi chiều lại ra vườn. Không trông nom cẩn thận có khi trắng tay. Nhà tôi chủ yếu trồng hoa hồng, cúc. Vất vả là có nhưng quen rồi, càng làm càng đến gần Tết nên cũng vui”, bà Hương chia sẻ.
Những ngày cận Tết, ngoài việc tất bật chăm sóc hoa của các nhà vườn, những người làm nghề chở hoa thuê, bán hoa kiểng… cũng luôn bận rộn. Suốt 5 năm qua, ông Huỳnh Văn Hải (56 tuổi, quê huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cùng chiếc xe chở hoa đi bán khắp các nẻo đường ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho vợ.
“Hồi đó vợ tôi đã yếu rồi, suy nhược cơ thể, rồi bị té xe thế là chân bà không đi được nữa. Cực lắm nhưng phải nương tựa nhau thôi, con tôi đi làm mướn ở xa. Để vợ ở nhà một mình không có ai lo, đưa bà đi cùng xe bán cây kiểng để tiện chăm sóc”, ông Hải nói.
Nhằm đảm bảo cung cấp nguồn phân bón và giá thể cho nông nghiệp, nhiều thuyền bè từ các vùng lân cận đã “chạy đua” vận chuyển phân rơm, phân bò, xơ dừa,… phục vụ cho các nhà vườn dịp cuối năm.
Việc chăm sóc hoa yêu cầu sự tỉ mỉ và kỹ năng của những người làm vườn ở làng hoa Sa Đéc. Vừa phải xác định đúng thời gian cây hoa nở để kịp đón Tết, vừa phải tạo ra bó hoa đẹp mắt thu hút người mua.
Nép mình bên dòng sông Tiền, làng hoa Sa Đéc luôn được đón nhận những tinh túy của thiên nhiên ban tặng. Tại xã Tân Quy Đông là cái nôi của làng nghề hoa với diện tích lên đến 300 ha, để được thị trường đón nhận, nhiều nhà vườn chăm bón bằng phân hữu cơ không gây nguy hiểm đến môi trường và người tiêu thụ.
Các loại hoa tại làng hoa Sa Đéc không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang trong mình ý nghĩa văn hóa và đời sống đặc trưng của vùng đất này.
Nơi đây không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan, chụp ảnh mỗi độ Tết đến xuân về.
Đến làng hoa Sa Đéc vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được không khí của mùa xuân, trên những cánh đồng hoa, bà con nông dân đang tất bật với công việc, dành nhiều công sức để chăm chút cho từng giỏ hoa đã xuống giống và đặt kỳ vọng vào một vụ hoa Tết bội thu.
Dantri.com.vn