Theo số liệu được Bộ Lao động Nhật Bản công bố ngày 26/1, số lượng lao động nước ngoài ở nước này vào tháng 10/2023 là gần 2,05 triệu, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cũng cao hơn 6,9 điểm % so với tháng 10/2022.
Xét về quốc tịch, nhóm lao động Việt Nam có 518.364 người, chiếm 25,3%. Theo sau là nhóm lao động Trung Quốc (397.918 người) và Philippines (226.846 người).
Tính theo tư cách lưu trú, số lượng người có visa được cấp cho các cá nhân có chuyên môn tăng nhiều nhất, 24,2%, lên tới 595.904 người. Trong nhóm này, số người được phân loại là “người lao động kỹ năng đặc định” tăng mạnh 75,2%, lên 138.518 người, bao gồm gần 69.500 người Việt Nam và gần 25.600 người Philippines.
Nhật Bản thiết lập visa diện “người lao động kỹ năng đặc định” để xoa dịu tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều lĩnh vực. Ứng viên xin visa diện này phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và tiếng Nhật. Nhiều người được cấp visa diện này làm trong ngành sản xuất hoặc điều dưỡng.
Chuyên viên có tay nghề cao bao gồm nghiên cứu viên, kỹ sư và quản lý. Nhóm này nhận được đãi ngộ đặc biệt về mặt lưu trú, dựa trên lịch sử công tác và thu nhập hàng năm.
Dù đồng yen yếu phần nào làm giảm đi sức hút của Nhật Bản trong mắt người lao động nước ngoài, số lượng người lao động đến nước này vẫn tăng. Nguyên nhân lớn nhất theo Nikkei là mức thu nhập ở Nhật Bản vẫn tương đối cao.
Bất ổn chính trị và kinh tế ở các nước cũng thúc đẩy người lao động đến Nhật Bản. Người lao động Myanmar, nơi quân đội lên nắm quyền vào năm 2021, đã tăng 49,9% so với năm ngoái.
Các chuyên gia có tay nghề cao được phép đưa theo thành viên gia đình vào Nhật Bản bằng thị thực họ được cấp. Tổng số người nước ngoài sở hữu visa diện cư trú cùng gia đình vào tháng 6/2023 là khoảng 245.000, gấp đôi so với một thập kỷ trước đó.