Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabio Panetta ngày 26/1 cảnh báo, việc sử dụng đồng euro làm công cụ trong các cuộc chiến trừng phạt và tranh chấp chính trị sẽ gây tổn hại đến hình ảnh và vị thế của đồng tiền này.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Canada đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga vào năm 2022 nhằm đáp trả việc Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong đó, 200 tỷ USD giữ ở EU, chủ yếu ở Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear, có trụ sở tại Bỉ.
Bỉ đang lên kế hoạch đánh thuế đối với lợi nhuận mà Euroclear kiếm được từ các tài sản đóng băng của Nga. Tuy nhiên, một số thành viên EU như Italy, Đức, Pháp cho rằng việc sử dụng chúng có thể khiến nhà đầu tư từ các quốc gia khác nghi ngờ về sự an toàn của cổ phần họ nắm giữ ở EU và rời khỏi thị trường khu vực, từ đó khiến đồng euro suy yếu.
“Sức mạnh này phải được sử dụng một cách khôn ngoan”, ông Panetta nói khi đề cập đến vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Ông cảnh báo: “Khi vũ khí hóa một loại tiền tệ chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của nó và khuyến khích sự xuất hiện của các lựa chọn thay thế”.
Ông cũng lưu ý, sự gia tăng sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao thương giữa Nga và Trung Quốc gần đây cho thấy chiều hướng này, bởi vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy các quốc gia khác như Nga tìm đến một ngoại tệ dự trữ mới.
“Trung Quốc đang thúc đẩy rõ ràng vai trò của đồng nhân dân tệ trên trường toàn cầu và khuyến khích sử dụng tiền tệ này ở các quốc gia khác”, ông nhấn mạnh.