Các hình ảnh này cho thấy nước từng lấp đầy một lưu vực khổng lồ trên sao Hỏa có tên là miệng núi lửa Jerezo, theo hãng tin Reuters.
Đây là kết quả của nghiên cứu được các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) và Đại học Oslo (Na Uy) thực hiện. Phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 26.1.
Các dữ liệu do robot tự hành thu được đã chứng minh các giả thuyết trước đó của giới khoa học, trong đó đặt nghi vấn rằng một số phần của sao Hỏa từng bị bao phủ trong nước và có thể chứa đựng sự sống của vi sinh vật.
Thiết bị radar RIMFAX của tàu thám hiểm cho phép các nhà khoa học lập được bản đồ cắt ngang của các lớp đá sâu 20 m. Những lớp này cung cấp bằng chứng “không thể nhầm lẫn” rằng nước đã lắng đọng tại miệng núi lửa Jerezo và đồng bằng xung quanh.
Nguồn cấp nước có thể đến từ một con sông gần đó, như cách các hồ trên trái đất hoạt động.
Những phát hiện này đã củng cố những dự đoán mà giới khoa học đã nêu từ lâu, rằng sao Hỏa lạnh lẽo, khô cằn, không có sự sống đã từng ấm áp, ẩm ướt và có lẽ có thể sinh sống được.
Các nhà khoa học đang chờ một cuộc kiểm tra cận cảnh các trầm tích của Jerezo, được cho là đã hình thành từ khoảng 3 tỉ năm trước, trong mẫu vật mà Perseverance thu thập. Trong tương lai, các mẫu này sẽ được vận chuyển về trái đất.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng xác nhận rằng các mẫu lõi ban đầu được Perseverance khoan tại 4 địa điểm gần nơi nó hạ cánh vào tháng 2.2021 có bản chất núi lửa chứ không phải trầm tích như dự đoán.
Tuy nhiên, 2 phát hiện trên không hề mâu thuẫn. Ngay cả đá núi lửa cũng có dấu hiệu biến đổi khi tiếp xúc với nước. Theo các nhà khoa học, các trầm tích có thể đã bị xói mòn.
Radar RIMFAX cũng đã tìm thấy dấu hiệu xói mòn trước và sau khi hình thành các lớp trầm tích được xác định ở rìa phía tây của miệng núi lửa. Đây được cho là bằng chứng về lịch sử địa chất phức tạp ở đây.