Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế |
Động lực cho tăng trưởng kinh tế luôn được nhìn nhận cần phải dựa vào 4 yếu tố là: xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. “Tiền ra” từ khu vực tư nhân sẽ góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước, dòng tiền xoay vòng sẽ giúp đẩy mạnh các chỉ số tăng trưởng. Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại nhiều năm mà chưa được giải quyết triệt để là những chính sách cho phát triển khu vực tư nhân chưa xứng với tiềm năng.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; các bộ, ngành, địa phương cũng có những chương trình hành động cụ thể, triển khai thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này. Gần đây nhất, tháng 3/2023 Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với những mục tiêu cụ thể hơn: 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 – 65% GDP; Hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc đứng đầu trong chuỗi giá trị.
Thực tế qua hơn 7 năm triển khai Nghị quyết 10, đã có nhiều thay đổi về chính sách, định hướng phát triển kinh tế tư nhân và khối này cũng đã có những bứt phá, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế, chiếm gần 50% GDP. Liên quan tới nộp ngân sách nhà nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, tính chung giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng thu ngân sách của cả nền kinh tế đạt 9,9%/năm, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đạt 13,4%/năm.
Thế nhưng, sức mạnh nội sinh của khu vực kinh tế này có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân và tốc độ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều năm trở lại đây trong khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng mạnh. Theo đó, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm ngoái. Bình quân, một tháng có gần 14.4000 doanh nghiệp biến mất. Trong số này có không ít doanh nghiệp sáp nhập với nhau nhưng tự đóng cửa do khó khăn trong hoạt động cũng rất lớn.
Liên quan tới đầu tư tư nhân, theo ông Nguyễn Đức Hiển- Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đầu tư tư nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP trong năm 2023 rất thấp, chỉ đạt 2,7%- đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đồng quan điểm rằng, “trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân. Và kinh tế tư nhân, doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam cần được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – TS. Nguyễn Đình Cung, nhận xét: Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động, đây là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo TS.Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Vì thế, cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Đồng thời, cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.
Khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân để góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024 là 6-6,5%/năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có những giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm, đặc biệt là phải chú trọng giải được bài toán làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất: Hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”. Và động thái sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, tư nhân hay Nhà nước cũng cần được đối xử công bằng để khuyến khích họ phát triển kinh tế, đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Vì thế, cần phải có quyết sách rất nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua trở ngại.
Ở góc độ vĩ mô, TS. Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương gợi mở: Cần có chính sách thực sự, kích cầu đầu tư đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư ở khu vực này.
Đưa ra con số cụ thể hơn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia chỉ ra rằng, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% là mức thấp chưa từng có trong 10 năm qua, thấp hơn cả thời kỳ dịch Covid-19. “Tỷ lệ này phải gấp đôi, tức tăng trưởng đầu tư tư nhân của doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình phải khoảng 6 – 7% mới ổn. Và để kích cầu đầu tư tư nhân, điều duy nhất là lấy lại niềm tin bằng việc cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh””- ông Lực nêu quan điểm.
Năm 2024, Trung ương sẽ tiến hành đánh giá sơ kết Nghị quyết 10 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để đưa kinh tế tư nhân phát triển vững mạnh và và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng mới, việc cần làm của năm nay và những năm tiếp theo chính là phải tiếp tục cải cách cơ cấu, môi trườn kinh doanh và hành lang pháp lý rộng hơn, cơ hội tiếp cận tài chính tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, nhiều thách thức. Đặc biệt, phải đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp gia nhập thị trường trong cạnh tranh, phát triển.