Đây là con số rất tích cực, bởi tháng 1.2023, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số vốn FDI tháng đầu năm, đăng ký mới đạt hơn 2 tỉ USD, tăng gần 67% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về mức tăng mạnh này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, do số lượng dự án tăng mạnh hơn 24%, với 190 dự án. Đặc biệt, có dự án quy mô đầu tư lớn giúp đẩy tổng số vốn FDI tháng 1 tăng.
Tuy vậy, trong tháng đầu năm, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn lại giảm 15,7%, với 75 lượt dự án và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD (giảm hơn 23% so với cùng kỳ. Ngoài ra, báo cáo cho thấy, số vốn tham gia góp vốn, mua cổ phần trong tháng đầu năm giảm mạnh, với 174 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD, giảm lần lượt 14,7% và 33,1% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoài vốn đăng ký mới tăng, thì cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đang giảm so với cùng kỳ. Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn giải ngân trong tháng đầu năm cũng khá khả quan. Con số đạt được là 1,48 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về đối tác, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỉ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Kế đến là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 25,3%).
Trong tháng đầu năm, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, chiếm hơn 42% và góp vốn, mua cổ phần chiếm 78,2%.