Bùng nổ đơn hàng
Những đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm của các doanh nghiệp rau quả, gạo, cà phê… đã mang đến kỳ vọng về một năm kinh doanh bận rộn, hiệu quả, trong bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp vừa xuất khẩu lô hàng sầu riêng đi Trung Quốc, xoài An Giang đi Hoa Kỳ, Australia… Tín hiệu thị trường khá tốt, đơn hàng từ các khách hàng truyền thống vẫn kín.
Trước đó, năm 2023, xuất khẩu của Vina T&T Group tăng 40% so với năm 2022, chủ yếu là trái cây tươi như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa… và được xuất sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Trung Quốc. Doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay duy trì ở mức 2 con số nhờ tín hiệu thị trường khá thuận lợi.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong những ngày đầu năm |
Với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) phấn khởi chia sẻ, mở đầu năm 2024, Trung An đã ký 6 đơn hàng với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường gồm: Châu Âu (EU), Anh, Malaysia, Dubai và Úc với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277EU/tấn. Tất cả đều là giá FOB (giá bên cửa khẩu của Việt Nam).
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Huy Hùng – Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, cuối năm 2023, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I/2024.
Hiện doanh nghiệp đang liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam. Bởi cà phê của nước ta trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc Robusta.
Thực tế, theo ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Ông Hiệp cho biết, trong năm vừa qua các doanh nghiệp ở nước ta gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.
Xuất khẩu cà phê đón nhận nhiều tín hiệu tích cực |
Ông Thái Như Hiệp cũng dự báo, xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 có thể đạt 4,5-5 tỷ USD nhờ giá cà phê tiếp tục tăng trong khi sản lượng giảm.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Đơn hàng nhiều giúp kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng này liên tục tăng nhanh trong nửa đầu tháng 1/2024. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD. Với cà phê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 01/2024 đạt 95.770 tấn, với kim ngạch gần 283 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và 4,6% về kim ngạch so với nửa đầu tháng 12/2023; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,2% về lượng và tăng mạnh 39,7% về kim ngạch. Riêng mặt hàng rau quả có mức tăng trưởng ấn tượng hơn khi xuất khẩu rau quả cả nước trong 15 ngày đầu của tháng 1/2024 ước đạt 459 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, con số này đang tăng trên 89% và so với tháng liền kề trước đó là trên 12%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu rau quả có lợi thế hơn, nhờ ưu đãi thuế quan, giúp nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Theo ông Nguyên, năm 2024, xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện. Nông sản Việt đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, nhưng với những thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, đến nay, nông sản Việt mới chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân này. Hay tại Mỹ, EU, Nhật Bản còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Sau thành công của sầu riêng tươi, năm 2024, sầu riêng đông lạnh sẽ là đích đến tiếp theo. Việt Nam đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ và dự kiến được thị trường Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trong đầu năm nay. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% nhờ mặt hàng này. Như vậy, sầu riêng sẽ đóng góp vào doanh thu xuất khẩu ngành rau quả khoảng 3,5 tỷ USD, giúp đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả trong cả năm có thể đạt từ 6,5 – 7 tỷ USD.
Ngoài ra, ngành chức năng Việt Nam đang tiếp tục xúc tiến để một số nông sản như trái dừa tươi được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình cho rằng, năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, các quốc gia nhập khẩu gạo như Indonesia, Philippines vẫn có nhu cầu mua vào và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Thực tế hiện nay, Bulog thông báo đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Các nước Philippines, châu Phi… cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu gạo. Riêng Philippines dự kiến sẽ nhập 3,5-4 triệu tấn gạo trong năm 2024. “Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 vẫn có thể đạt bằng năm 2023 về số lượng nhưng giá trị sẽ cao hơn khoảng 15-20%”, ông Bình khẳng định.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, với biến động nguồn cung gạo thế giới do một số quốc gia như Ấn Độ siết xuất khẩu, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi, kỳ vọng mang về doanh thu xuất khẩu lớn hơn.
Năm ngoái, xuất khẩu gạo, rau quả, cà phê đã mang về doanh thu trên 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Với đơn hàng về nhiều, các ngành hàng này có thể cán đích doanh thu 17-17,5 tỷ USD trong năm nay. |