Phán quyết sẽ được đưa ra vào lúc 13h thứ Sáu (giờ Hà Lan) tại Tòa án Công lý Quốc tế trong phiên điều trần dự kiến kéo dài khoảng một giờ. Tại đây, các thẩm phán Liên hợp quốc sẽ không giải quyết vấn đề cốt lõi của vụ án rằng liệu các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza có cấu thành tội diệt chủng hay không, mà sẽ tập trung vào sự can thiệp khẩn cấp mà Nam Phi đang tìm kiếm.
Theo cơ quan y tế Gaza, trong số các biện pháp mà Nam Phi yêu cầu là ngừng ngay lập tức hoạt động quân sự của Israel, vốn đã gây thiệt hại cho phần lớn vùng đất và giết chết hơn 25.000 người.
Nam Phi cũng yêu cầu ban hành 9 biện pháp khẩn cấp hoạt động giống như một lệnh cấm, đồng thời muốn tòa án ra lệnh cho Israel ngừng hoạt động quân sự ở Gaza, cũng như cho phép viện trợ nhân đạo nhiều hơn, điều tra và truy tố những vi phạm có thể xảy ra của Israel.
Cách đây hai tuần, Nam Phi cáo buộc Israel vi phạm Công ước diệt chủng năm 1948, lập luận rằng cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel nhằm mục đích “tàn phá dân số” ở Gaza.
Về phía Israel, nước này đã bác bỏ các cáo buộc và yêu cầu tòa án hủy bỏ hoàn toàn vụ kiện liên quan đến tội diệt chủng. Một phát ngôn viên của chính phủ Israel hôm thứ Năm (25/1) cho biết họ mong đợi tòa án cấp cao của Liên hợp quốc sẽ “bác bỏ những cáo buộc giả mạo và suy đoán này”.
Israel nói rằng họ tôn trọng luật pháp quốc tế và có quyền tự vệ khi bị phiến quân Hamas tiến hành một cuộc bạo loạn xuyên biên giới vào ngày 7/10. Các quan chức Israel cho biết Hamas đã giết chết ít nhất 1.200 người, chủ yếu là dân thường và 240 người bị phiến quân này bắt làm con tin.
Hội đồng gồm 17 thẩm phán sẽ chỉ quyết định xem có áp dụng các biện pháp tạm thời hay không và liệu có nguy cơ chính đáng rằng hoạt động của Israel vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 hay không.
Bên cạnh đó, tòa án không bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu của Nam Phi và có thể tự đưa ra các biện pháp riêng nếu thấy có thẩm quyền xét xử ở giai đoạn này của vụ án.
Ngọc Ánh (theo Reuters)