Chiều 25/1, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức họp rà soát, thúc đẩy tiến độ triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành kể từ sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 diễn ra cuối tháng 12/2023 đến nay.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm – Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 đồng chủ trì cuộc họp.
Cùng dự họp có Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc – Tổ phó Thường trực Tổ công tác, cùng các thành viên của Tổ công tác.
Trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đi thẳng vào những nội dung, phần việc cụ thể, trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành đánh giá về những kết quả nổi bật từ sau ngày 21/12/2023 đến nay; chỉ rõ những vướng mắc ở đâu, công tác phối hợp thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách, đồng thời đưa ra lộ trình triển khai từng đầu việc để có thể về đích đúng hạn.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, từ sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 đến nay, các bộ, ngành thành viên Tổ công tác đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT về kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0.
Bộ TT&TT cũng đã tổ chức hội thảo với các bộ, ngành và các tập đoàn công nghệ để tổng hợp, làm rõ vướng mắc trong triển khai Nghị định 73/2019/NĐ-CP, từ đó thống nhất 5 nội dung đề xuất sửa đổi.
Bộ LĐTB&XH đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt.
Bộ Tài chính tích cực phối hợp với các đơn vị báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định tại khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công.
Kết quả là ngày 18/1, Tổng Thư ký Quốc hội đã ban hành Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Đây là hướng dẫn quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về vấn đề kinh phí cho các đơn vị, địa phương.
Bộ Công an đã phối hợp với Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 5.142 điểm bưu điện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn cho 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến; hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB, BIDV) và 1 tổ chức tín dụng (Mcredit).
Về nhiệm vụ cần triển khai, sau khi đã có Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá lại hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình đã áp dụng được phiên bản 3.0 chưa, từ đó xây dựng lộ trình đầu tư, đề xuất nguồn vốn. Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, ấn định thời gian hoàn thành nhiệm vụ này.
Đối với Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo ý kiến của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ trước ngày 30/3/2024 để bảo đảm cho triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Hiện còn 466 thủ tục hành chính của 12 bộ, cơ quan chưa được thực thi theo 19 nghị quyết của Chính phủ. Các bộ, cơ quan này cần khẩn trương có lộ trình hoàn thành đơn giản hoá, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 31/1/2024 để tập hợp, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024.
Để phục vụ triển khai Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an trong việc thẩm định hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Căn cước, nghị định thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, trình Thủ tướng ký ban hành, hoàn thành trước ngày 15/4/2024.
Các bộ, ngành cần đi đầu trong việc đăng ký mã định danh tổ chức và sử dụng trong giao dịch điện tử, dần hình thành môi trường số của tổ chức, hoàn thành trong quý II/2024.
Về nhóm dịch vụ công, còn 13 dịch vụ công của 8 bộ, ngành chưa hoàn thành. Các bộ, ngành này cần tổ chức tái cấu trúc quy trình, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong quý I/2024.
Về kết nối chia sẻ dữ liệu, đến nay đã có 19 địa phương triển khai số hoá dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư với 14,5 triệu dữ liệu; đã có 450/705 cấp hiện hoàn thành số hoá dữ liệu đất đai.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành thành viên của Tổ công tác tập trung trao đổi, thảo luận về những nhiệm vụ được giao, khẳng định cam kết quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo lộ trình đã đặt ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả rất tích cực; nhiều vướng mắc về quy hoạch, tài chính… đã được khai thông; có nhiều cách làm hay, qua đó tạo niềm tin, động lực để các bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ còn nhiều việc phải làm: Phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý; đẩy mạnh việc cắt giảm thủ thục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đồng bộ thiết bị và quy chuẩn trong kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu…
Để triển khai Đề án thành công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải vượt lên chính mình, trước hết là thay đổi cách làm, thay đổi tư duy, dù việc này là khó nhất, nhưng nếu “các đồng chí không làm thì sẽ bị ép phải làm”.
Về thời gian, lộ trình hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành “đã hứa là phải giữ lời”, phải quyết liệt triển khai đồng bộ; đồng thời khẳng định sẵn sàng họp cùng các bộ, ngành sau giờ hành chính để khơi thông những vướng mắc về thể chế.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thường trực Tổ công tác rà soát lại những đầu việc của các bộ, ngành, từ đó tổng hợp, đề xuất những vướng mắc cần tháo gỡ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá: Sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06, trong 3 tuần vừa qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc.
Một trong những điểm nhấn đó là có giải pháp triển khai 100% đối tượng hưởng an sinh xã hội, bước đầu trả tiền thông qua tài khoản; giải ngân cho vay tín chấp.
“Những kết quả này đã mang lại những giá trị rất lớn cho người dân, xã hội; góp phần giúp người dân tiếp cận nguồn vốn xã hội, đấu tranh phòng, chống hiệu quả ‘tín dụng đen'”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, quan trọng nhất là thái độ và trách nhiệm, quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bởi đây là vấn đề rất quan trọng; tăng cường, chủ động, hiệu quả trong hướng dẫn, tập huấn cho các cán bộ, công nhân viên chức ở các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuần thục những kỹ năng số, đảm bảo an ninh, an toàn trong số hóa, kết nối, sử dụng, phát triển dữ liệu…
Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quản lý, điều hành của chính quyền, lãnh đạo các cấp; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để tích hợp những tiện ích lên VNeID phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.