Chiều 25/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ công bố và trao Nghị quyết về việc điều động, bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Tại buổi lễ, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh công bố Nghị quyết số 968 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều động, bổ nhiệm ông Bùi Thế Cử giữ chức vụ Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Trước khi được điều động, ông Cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên.
Trao Nghị quyết và chúc mừng ông Bùi Thế Cử bổ nhiệm vị trí mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong nhiệm kỳ khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội luôn xác định chủ trương không ngừng đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ; quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo ông Mẫn, tân Trợ lý Chủ tịch Quốc hội là cán bộ có năng lực, được đào tạo cơ bản, có trình độ Tiến sĩ kinh tế. Ông Cử cũng có quá trình phấn đấu và trưởng thành hơn 23 năm công tác ở địa phương, trải qua nhiều vị trí công tác Đảng và chính quyền, từ lãnh đạo huyện đến lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.
Trong quá trình công tác, ông Bùi Thế Cử luôn nỗ lực cố gắng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sát sao trong công việc, được Ban Thường vụ tỉnh ủy Hưng Yên đánh giá cao về năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng phân tích, tổng hợp thông tin.
Ông Bùi Thế Cử sinh năm 1978, quê ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp.
Ông Cử từng kinh qua các chức vụ như Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, Phó Bí thư Huyện ủy Mỹ Hào, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo Quốc hội luôn kỳ vọng các Trợ lý, Thư ký phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm trong tham mưu đề xuất giải quyết công việc vì lợi ích chung và mang tính chiến lược.
Vị trí này cũng được kỳ vọng thể hiện vai trò cầu nối giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phát huy tinh thần đoàn kết, cầu thị nhằm góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị đổi mới, năng động, sáng tạo, hiệu quả, thực chất.
Ông Mẫn nhấn mạnh với vị trí tham mưu, giúp việc Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát, tổng thể, chiều sâu; năng lực tham mưu chiến lược; kinh nghiệm, sức sáng tạo, tư duy tốt, phản ứng nhanh.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ông Bùi Thế Cử tiếp tục giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng, tăng cường trao đổi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Bùi Thế Cử trân trọng cảm ơn Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã tin tưởng giao nhiệm vụ mới.
Ông Cử khẳng định đây là bước trưởng thành đối với cá nhân sau 23 năm công tác liên tục tại tỉnh Hưng Yên.
Trên cương vị mới, tân Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Bùi Thế Cử cam kết sẽ cố gắng quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Chủ tịch Quốc hội có 3 Trợ lý gồm các ông: Phạm Thái Hà, Hoàng Xuân Hòa và Bùi Thế Cử.
Theo Quy định 30 của Bộ Chính trị quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 Trợ lý.
Trong trường hợp cần thiết, nếu có nhu cầu sử dụng số lượng trợ lý nhiều hơn quy định phải báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương thứ trưởng.
Quy định 30 của Bộ Chính trị yêu cầu nhiều quy định chung của chức danh Trợ lý, như về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về trình độ chuyên môn và năng lực, uy tín.
Ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện chung, chức danh Trợ lý phải có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu về lĩnh vực được phân công; có năng lực nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin và tham mưu; có khả năng phối hợp công tác.
Chức danh Trợ lý, theo Quy định 30, cũng phải giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm. Trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.