Theo các nghiên cứu, qua khảo sát cho thấy, thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao. Hiện, nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.
Thêm vào đó, dù cánh cửa xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc (thị trường tiêu thụ 80% sản lượng yến sào thế giới) đã chính thức mở ra nhưng nội tại của chuỗi giá trị mặt hàng này tại Việt Nam hiện còn rất nhiều tồn tại xuất phát từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý bài bản ngay từ đầu. Theo đó, thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm hơn 90%, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Đặc biệt, cuối năm 2019 việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến khiến chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội và an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng ngành yến sào Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Thị trường yến sào thế giới ước tính trị giá trên 5 tỷ đô la Mỹ với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn. Việt Nam là một trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc nhưng thị phần còn rất thấp so với nhu cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng; thiếu tính liên kết do đó chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị thu về chưa tương xứng.
PHƯƠNG ANH