Khi chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp vì bung tấm bịt cửa, hồi chuông cảnh báo mới bắt đầu vang lên với Boeing.
Tấm bịt cửa trên chiếc Boeing 737 MAX 9 bị bung, tạo ra lỗ hổng lớn hút đồ đạc ra ngoài ở độ cao gần 5.000 mét hôm 5/1. Toàn bộ 177 hành khách và thành viên tổ bay trên phi cơ an toàn nhờ kỹ năng xử lý của phi công, song sự cố đã khiến hãng Boeing đối mặt muôn trùng sóng gió ngay từ đầu năm 2024.
Trong nửa thập kỷ qua, niềm tin của công chúng vào nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ đã giảm đáng kể, liên quan tới nhiều sự cố của dòng máy bay Boeing 737 MAX. Khoảng cách về thị phần giữa Boeing và đối thủ cạnh tranh trực tiếp Airbus của châu Âu đã gia tăng đáng kể, sau khi nhà sản xuất Mỹ liên tục sụt giảm đơn đặt hàng và giao hàng mỗi năm.
Những sự cố mới đe dọa tiếp tục làm xói mòn niềm tin và vị thế của Boeing, khiến nhiều khách hàng lâu năm và hành khách ngày càng lo ngại.
Tiến sĩ William Bensinger, chuyên gia y tế hàng không, nói với Seattle Times rằng nếu sự cố bung tấm bịt cửa hôm 5/1 xảy ra ở độ cao lớn gấp đôi, hậu quả có thể rất thảm khốc.
Boeing thiết kế thêm cửa thoát hiểm nằm giữa cánh và đuôi máy bay 737 MAX 9, nhưng do một số hãng không sử dụng đến những cửa này, tấm bịt đã được lắp vào vị trí đó. Tấm này có một cửa sổ để trông như một phần bình thường của thân máy bay.
Ngay trong đêm 5/1, hãng Alaska Airline đã tạm đình chỉ bay toàn bộ dòng 737 MAX 9 của mình như biện pháp phòng ngừa rủi ro. Hôm sau, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu tất cả 171 chiếc Boeing 737 MAX 9 ở Mỹ dừng hoạt động để tiến hành kiểm tra và bảo trì nếu cần.
Rắc rối tiếp tục xuất hiện. Ngày 8/1, United Airlines phát hiện loạt máy bay Boeing 737 MAX 9 bị lỏng ốc trong quá trình kiểm tra sơ bộ sau sự cố máy bay Alaska Airlines. United Airlines đã hủy 200 chuyến bay sử dụng phi cơ Boeing MAX 9.
Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun trong cuộc họp về an toàn ngày 9/1 thừa nhận sai lầm trong sự cố tấm bịt cửa, cam kết không để sự cố tái diễn. Ông lưu ý vấn đề lỏng ốc được phát hiện trong những cuộc kiểm tra là sai sót trong quá trình sản xuất.
Sau bình luận của ông Caloun, FAA tiến hành thẩm tra toàn bộ dây chuyền sản xuất Boeing 737 MAX 9, cho biết họ sẽ xem xét “liệu Boeing có đảm bảo các sản phẩm hoàn chỉnh như thiết kế đã phê duyệt và hoạt động an toàn theo quy định của FAA hay không”.
Alaska Airlines ngày 23/1 tiếp tục thông báo cuộc kiểm tra sau sự cố bung tấm bịt cửa đã phát hiện nhiều máy bay Boeing 737 MAX 9 bị lỏng ốc. Điều này khiến các lãnh đạo hãng hàng không bất bình.
“Không chỉ cảm thấy thất vọng, tôi thực sự tức giận. Sự cố đã xảy ra với hãng Alaska Airlines, với hành khách của chúng tôi và người dân Mỹ”, Ben Minicucci, giám đốc điều hành Alaska Airlines, nói. Ông kêu gọi Boeing “cải thiện quy trình chất lượng nội bộ”.
Boeing sau đó liên tiếp hứng chịu những đòn giáng mạnh. Scott Kirby, CEO của United Airlines, cảnh báo hãng hàng không này đang cân nhắc lại đơn đặt hàng 227 chiếc 737 MAX 10 trị giá hàng tỷ USD sau những vấn đề gần đây của Boeing.
“Tôi thất vọng vì những vấn đề sản xuất tiếp tục xảy ra ở Boeing. Đây không phải là vấn đề mới”, Kirby nói với CNBC. Ông thêm rằng Boeing cần “những hành động thực sự” để giải quyết vấn đề trong khâu sản xuất.
Những bình luận từ hai khách hàng lớn của Boeing đại diện cho một số lời chỉ trích nghiêm trọng nhất mà công ty này phải đối mặt kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu tháng này.
Boeing cũng đang đối mặt với nhiều áp lực chính trị. Ngày 24/1, giám đốc Dave Calhoun đã phải điều trần trước quốc hội Mỹ để trả lời các câu hỏi về việc dòng 737 MAX phải ngừng bay.
Để cố gắng hạn chế tổn hại danh tiếng trong bối cảnh các đơn hàng đang bị trì hoãn, một trong những giám đốc cấp cao nhất của Boeing đã phải lên tiếng xin lỗi.
“Chúng tôi đã khiến khách hàng thất vọng và vô cùng xin lỗi vì những gián đoạn nghiêm trọng với họ, nhân viên và hành khách của họ”, Stan Deal, chủ tịch và giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes, nói. “Chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch toàn diện để đưa những chiếc máy bay này trở lại hoạt động an toàn và cải thiện chất lượng cùng hiệu suất giao hàng của chúng tôi”.
Công ty cũng công bố kế hoạch giải quyết tình trạng suy giảm chất lượng tại tất cả nhà máy sản xuất máy bay và các cơ sở nghiên cứu. Họ sẽ yêu cầu tạm dừng sản xuất để nhân viên tham gia tập huấn về chất lượng.
Nhưng lời xin lỗi đó dường như không đủ xoa dịu khách hàng. “Tôi nghĩ rằng các sự việc với dòng MAX 9 là giọt nước tràn ly. Ít nhất chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch mới không sử dụng dòng MAX 10”, CEO Kirby nói.
Sau khi doanh số dòng MAX 9 gây thất vọng, Boeing đã đặt cược vào dòng MAX 10 lớn hơn, với hy vọng rút ngắn khoảng cách với dòng A321neo của Airbus. Các nhà phân tích nói rằng việc triển khai dòng MAX rất quan trọng để giúp Boeing giữ ổn định thị phần 40% và tạo động lực để giành lại vị trí dẫn đầu từ Airbus trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, lời cảnh báo từ United Airlines có thể đe dọa mục tiêu của Boeing, theo giới quan sát. Cổ phiếu của hãng đã giảm 16% trong năm nay.
Cuộc khủng hoảng hiện tại của Boeing được cho là do các yếu tố như kiểm soát chất lượng kém, cuộc đua giành lợi nhuận và tình trạng chia rẽ trong nội bộ công ty, theo các cựu nhân viên và giới phân tích.
Trong thập kỷ qua, những lãnh đạo cấp cao của Boeing ưu tiên bàn giao máy bay cho khách hàng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với những người làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, mục tiêu này khiến họ chịu áp lực lớn về đáp ứng thời hạn được giao và buộc phải cắt giảm quy trình.
Một cựu nhân viên Boeing giấu tên cho biết áp lực lớn đã ảnh hưởng tới tinh thần và chất lượng công việc của nhân viên. Họ thường xuyên phải tăng ca để bàn giao máy bay sớm nhất có thể. Cựu nhân viên này cho biết đã phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày trong nhiều năm, thay vì 8 tiếng theo quy định.
Boeing hồi tháng 12/2023 từng yêu cầu kiểm tra dòng 737 MAX sau báo cáo về tình trạng lỏng ốc ở hệ thống điều khiển cánh đuôi. 4 tháng trước đó, Boeing phát hiện vấn đề liên quan tới những lỗ bắt vít không đúng cách trên vách ngăn áp suất phía sau máy bay.
Giới quan sát lưu ý chất lượng máy bay Boeing sụt giảm cũng bắt nguồn từ cuộc đua của công ty để cạnh tranh với Airbus.
Những áp lực càng khiến nội bộ Boeing thêm chia rẽ. Những nhân viên chế tạo máy bay cho rằng các giám đốc điều hành thiếu hiểu biết về tầm quan trọng và thời gian cần thiết đối với công việc của họ.
Cornell Beard, chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Thợ máy và Công nhân hàng không, nói rằng áp lực liên tục cũng ảnh hưởng tới kiểm soát chất lượng. “Chúng tôi có những chiếc máy bay gặp vấn đề trên khắp thế giới mà không ai phát hiện vì áp lực buộc nhân viên phải hoàn thành công việc quá nhanh”, ông nói.
Danh tiếng của Boeing đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mẫu 737 MAX 8 bị cấm bay trên toàn thế giới sau hai vụ tai nạn thảm khốc năm 2018 và 2019, khiến 346 người thiệt mạng.
Sau khi 737 MAX bị đình chỉ bay 21 tháng kể từ tháng 3/2019 và đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm, Boeing đã sa thải các nhân viên gần tới tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi nhu cầu di chuyển tăng trở lại, công ty đối mặt vấn đề mới là thiếu những nhân viên giàu kinh nghiệm. Họ cố gắng tuyển lại các nhân viên đã nghỉ hưu để giám sát quy trình sản xuất, song một số từ chối vì lý do môi trường làm việc quá áp lực.
Sau loạt vấn đề gần đây, Boeing đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 15/1, hãng tiết lộ kế hoạch 5 điểm để đảm bảo chất lượng máy bay, trong đó có tăng cường kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình sản xuất. Dù Boeing đã tăng 20% thanh tra kể từ năm 2019, điều đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Nhà cung cấp Spirit AeroSystems của Boeing cũng được tăng cường giám sát. Boeing có kế hoạch kiểm tra hơn 50 điểm trong quá trình chế tạo để đánh giá liệu chúng có phù hợp thông số kỹ thuật hay không.
Nhà sản xuất máy bay Mỹ cũng xác nhận sẽ tạo điều kiện cho những khách hàng muốn xem xét quy trình sản xuất và đánh giá chất lượng của hãng. Họ cũng bổ nhiệm đô đốc hải quân Mỹ về hưu Kirkland H Donald làm cố vấn, để cùng với nhóm chuyên gia bên ngoài đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng máy bay.
Giám đốc điều hành Calhoun trước đó cho biết Boeing sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý để đảm bảo sự cố không bao giờ tái diễn và “mọi chiếc máy bay cất cánh tiếp theo đều thực sự an toàn”.
Tuy nhiên, Richard Aboulafia, giám đốc điều hành công ty cố vấn AeroDyanmic Advisory ở Michigan, đánh giá những thay đổi này là “vô nghĩa và hời hợt”. Aboulafia cho rằng Boeing sẽ cần cải thiện mối quan hệ giữa những người đứng đầu công ty và nhân viên trực tiếp chế tạo máy bay.
Để đạt được điều đó, chuyên gia này cho rằng Boeing cần tập trung bổ sung những nhân viên có chuyên môn tốt vào vị trí cao, thay vì chỉ ưu tiên lợi nhuận. Nếu không có thay đổi đó, Boeing sẽ “đơn giản là chuyển từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, Reuters, FT)