Nhiều sản phẩm giảm giá, tăng khuyến mãi
Thị trường hàng hóa tết đã chính thức vào “cuộc đua” quyết liệt. Khảo sát cho thấy, giá cả các mặt hàng đặc biệt phục vụ ngày tết không biến động nhiều, thậm chí một số mặt hàng bánh mứt, thịt heo giá còn thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Chị Đào Lê, chủ đại lý chuyên kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt, hạt các loại trên đường An Dương Vương (Q.5, TP.HCM), cho biết khách mua lẻ qua Zalo, giao hàng tận nhà đã tăng từ tuần trước. Vào dịp cuối tuần, khách đến mua hàng tăng mạnh. Đa số các mặt hàng đồ khô giá sỉ năm nay không tăng, nên giá bán lẻ không thay đổi. Đặc biệt, có vài loại giảm 5.000 – 10.000 đồng/kg như hạt dưa Phong Ký loại 1 giá bán lẻ 180.000 đồng/kg, hạt hướng dương Phong Ký loại 1 giá 125.000 đồng/kg, chà là hộp nguyên cành 220.000 đồng/kg. Ngoài ra, các mặt hàng khô như khô cá chỉ vàng giá 210.000 đồng/kg, khô cá cơm 250.000/kg, mực cán tẩm gia vị 350.000/kg, lạp xưởng Cai Lậy 180.000 đồng/kg.
“Các mặt hàng khô năm nay ngon và giá bán rẻ hơn năm ngoái từ 5.000 – 10.000 đồng/kg do các cơ sở sản xuất giảm giá bán. Nên khách quen năm nay đặt hàng khô cũng tăng 10 – 20% so năm ngoái”, chị Đào Lê chia sẻ.
Bà Phước Hà, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng đồ khô tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), khẳng định giá các mặt hàng khô như nấm, bún, miến, măng không tăng giá so với tết năm ngoái. Riêng đường cát tăng 2.000 đồng/kg, cộng thêm giá một số nguyên liệu làm mứt tăng nhẹ khiến giá một vài loại mứt truyền thống có giá tăng nhẹ so với năm ngoái. Chẳng hạn, mứt gừng tăng 10.000 đồng lên 140.000 – 150.000 đồng/kg, mứt dừa non 110.000 đồng/kg, mứt mãng cầu 160.000 đồng/kg. Tuy vậy, các loại mứt chuối, mứt me lại bằng giá năm trước, thậm chí giảm nhẹ 5.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá thịt heo trên thị trường không thay đổi, thậm chí nhiều loại còn giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt heo phổ biến như ba rọi đang ở mức 105.000 đồng/kg, sườn non từ 150.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 163.000 đồng/kg, thấp hơn trước Tết Nguyên đán 2023 từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng cũng liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người tiêu dùng. Có thể kể đến như hệ thống siêu thị Saigon Co.op tung ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm tết được khuyến mãi đậm từ nay đến ngày 9.2 (nhằm ngày 30 Tết âm lịch). Trong đó không chỉ giảm giá cho các sản phẩm thông dụng để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, quần áo mà siêu thị cũng luân phiên giảm giá từ 10 – 20% thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, bò, cá, tôm, mực, rau củ quả…
Hay một số doanh nghiệp (DN) sản xuất như Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) vừa giảm giá 10 – 30% các loại thịt heo thảo mộc. Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đang giảm giá 10 – 20% cho một số mặt hàng thịt heo, diễn ra đến hết ngày 31.1. Ngoài ra, khi khách hàng mua thực phẩm tươi sống của Vissan với mỗi hóa đơn trị giá 250.000 đồng sẽ được tặng 1 sản phẩm nước xương hầm 820 ml. Nhằm kích cầu mua sắm sau tết, Vissan sẽ tiếp tục thực hiện khuyến mãi giảm từ 10 – 20% tại các hệ thống siêu thị và điểm bán sản phẩm của công ty. Đây là năm đầu tiên Vissan chạy khuyến mãi đậm kéo dài hơn 1 tháng trước Tết Nguyên đán và là điều chưa có tiền lệ…
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu dịp Tết Giáp Thìn 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 24.1 về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, DN. Đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân…
Hàng hóa dồi dào, đảm bảo cho người dân đón tết
Theo dự kiến của Bộ Công thương, sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các công ty chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10 – 25% so với cùng kỳ. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến tết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với sở công thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm cung – cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.
Các DN cũng đã chuẩn bị trước cho hoạt động sản xuất, bán hàng nhân mùa cao điểm dịp Tết âm lịch như thường lệ. Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP dầu thực vật Tường An, một trong những đơn vị cung cấp dầu ăn lớn tại VN, cho biết hiện tại chỉ còn 2 tuần nữa là đến lễ hội lớn nhất của người VN nên các DN, trong đó có Tường An đã và đang liên tục kiểm tra kệ hàng tại các điểm bán, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để lấp đầy các kệ, chủ động nguồn hàng, phục vụ xu hướng mua sắm cuối năm. “Công ty luôn nỗ lực trong việc tiết giảm chi phí vận hành, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với mức giá tốt nhất. Hy vọng những nỗ lực của Tường An sẽ phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm sản phẩm với giá hợp lý”, ông Tùng nhấn mạnh.
Số liệu từ Sở Công thương TP.HCM cho thấy, đã có 45 đơn vị tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán với giá trị hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường như gạo, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ…; kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung – cầu trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thông tin sở vừa có báo cáo về hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn. Cụ thể, nguồn hàng hóa có giá bình ổn, không tăng giá bất kỳ thời điểm nào từ nay đến tết và sau tết, chiếm 25 – 43%. Việc DN cam kết không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung – cầu trong mọi tình huống là đã đành, nhưng không để giá cả biến động mới quan trọng. Sở Công thương TP cũng nhận định thị trường gạo trên địa bàn từ nay đến tết duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung – cầu. Riêng mặt hàng tươi sống trong những ngày cận tết về thành phố sẽ tăng khoảng 80% so ngày thường, dao động từ 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ phối hợp với các chợ đầu mối, siêu thị… tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả… Thường mọi năm, các mặt hàng này có nhu cầu tăng đột biến dịp tết. Tuy vậy, phương án chung là chủ động trong mọi tình huống. Tình hình dự trữ và chuẩn bị hàng hóa của các DN sản xuất và phân phối cho thấy khó xảy ra thiếu hàng hay gián đoạn nguồn cung”, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.
Sức mua tăng, giá hàng hóa ổn định
Khảo sát tại TP.HCM trong những ngày vừa qua, sức mua đã bắt đầu tăng. Đặc biệt, các siêu thị, trung tâm thương mại đều cho rằng giá hàng hóa tết này ổn định, không có dấu hiệu tăng giá. Riêng các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết. Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết Giáp Thìn đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết sức mua đã dần tăng trong tuần vừa qua so với ngày thường hơn 10% . Riêng hệ thống này ghi nhận đơn hàng online tăng 50% và được xử lý, giao hàng ngay trong ngày. Ông Thắng khẳng định giá hàng hóa trong các siêu thị thuộc Saigon Co.op từ năm 2023 đến nay đều bình ổn, kể cả mặt hàng gạo, nhờ các đối tác cam kết ưu tiên nguồn cung, giá hợp lý. “Saigon Co.op đã chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa từ sớm, chủ động tham gia Chương trình bình ổn thị trường của thành phố và cũng làm việc với nhiều đối tác, thậm chí một số mặt hàng, siêu thị cắt hết lợi nhuận để giảm giá cho người tiêu dùng. Siêu thị đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ với giá bình ổn cho đến tận ngày tết và kể cả trong dịp tết. Người dân hoàn toàn yên tâm, không lo thiếu hàng hóa. Trong 2 tuần cuối cùng trước khi người dân đón Tết Giáp Thìn 2024, sức mua sẽ tiếp tục tăng. Chúng tôi kỳ vọng sức mua dịp Tết 2024 cũng sẽ tăng khoảng 15 – 20% như Tết 2023”, ông Thắng chia sẻ.
Tương tự, giám đốc ngành hàng thực phẩm khô hệ thống Lotte Mart cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất từ rất sớm nên giá nhiều mặt hàng khô ổn định. Ngay cả các mặt hàng giá trên thị trường tăng 20% như gạo tôm, gạo ST25, giá bán lẻ trong siêu thị vẫn chủ động được nguồn hàng, cạnh tranh tốt, mức tăng chỉ trên dưới 10%. Đặc biệt trong dịp này, siêu thị đẩy mạnh khuyến mãi các mặt hàng tết, hàng thiết yếu với mức giảm 35 – 40% nên lượng khách hàng tăng mạnh, đặc biệt dịp cuối tuần qua.
Trong khi đó, ông Trần Văn Trường, Giám đốc chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia, cho hay hải sản là mặt hàng tươi sống nên chỉ có thể đến sát tết mới hy vọng sức mua tăng cao. Nhiều loại hải sản dịp lễ tết thông thường do nhu cầu tăng cao hơn nguồn cung nên dự báo giá sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, và đây là mức tăng thông thường. Riêng tết năm nay, do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu cho hàng cao cấp. Vì vậy Hoàng Gia cũng giảm nhập khẩu các loại hải sản như tôm hùm Canada, cua biển Canada, tôm hùm Alaska…; thay vào đó chủ yếu bán các loại thủy hải sản trong nước.
Siêu thị tăng giờ hoạt động phục vụ người dân mua sắm tết
Để phục vụ người dân mua sắm dịp tết cổ truyền, nhiều siêu thị tại TP.HCM đã thông báo tăng giờ hoạt động. Như các siêu thị thuộc Saigon Co.op từ ngày 2.2 (nhằm ngày 23 tết) sẽ mở cửa sớm hơn từ 6 giờ sáng và đóng cửa lúc 22 giờ (tức tăng giờ phục vụ hơn 4 tiếng so với ngày thường). Đồng thời các siêu thị chỉ nghỉ ngày mùng 1 tết, và mở cửa trở lại vào sáng mùng 2 tết (11.2); đến mùng 6 tết (nhằm ngày 15.2) toàn hệ thống hoạt động bình thường. Hệ thống Big C (Tops Market, Go!) cũng chỉ nghỉ mùng 1 tết; từ mùng 2 tết siêu thị mở cửa hoạt động bình thường từ 8 – 22 giờ. Hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng sẽ mở cửa đến 14 giờ ngày 30 tết, riêng Lotte Mart (Q.7) sẽ kéo dài đến 18 giờ. Sau đó các siêu thị Lotte Mart sẽ nghỉ bán duy nhất ngày mùng 1 tết và mở cửa bình thường từ mùng 2 tết.
Không có chuyện hàng hóa tăng giá
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN Nguyễn Anh Đức nhận định, sức mua trên thị trường vẫn không cao lắm so với cùng kỳ năm trước, trong khi hàng hóa tết dồi dào do các hệ thống phân phối đã chủ động tăng lượng dự trữ từ sớm. Dịp Tết Giáp Thìn 2024, hàng hóa an sinh xã hội, các đoàn thể làm công tác thiện nguyện, hỗ trợ chăm lo tết cho gia đình khó khăn được triển khai nhiều hơn. Nguồn cung dồi dào trong khi sức mua khó tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến giá cả hàng hóa năm nay ổn định. Sẽ không có tình trạng nâng giá lên cao trong những ngày sát tết, đặc biệt trong các hệ thống phân phối lớn.