Xung đột Nga-Ukraine thêm căng thẳng với vụ rơi máy bay vận tải quân sự, Trung Quốc nói về quan hệ với Ấn Độ, quan hệ Nga-NATO, bầu cử Tổng thống Mỹ 2024… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
NATO khẳng định, kế hoạch tăng cường an ninh ở sườn Đông không phải nhằm kích động xung đột với Nga. (Nguồn: Linkedin) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga tìm thấy các mảnh vỡ dường như là của tên lửa tại hiện trường vụ rơi máy bay vận tải quân sự Il-76 ở Belgorod, TASS dẫn nguồn tin cơ quan tình trạng khẩn cấp Nga ngày 25/1 cho biết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, vụ bắn rơi máy bay này là một “hành động tàn ác” và các cuộc thảo luận về việc trao đổi tù binh phải được duy trì một cách bí mật.
Trong khi đó, Interfax dẫn lời thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrei Kartapolov, cũng là tướng về hưu, cho biết, Nga và Ukraine sẽ tiếp tục trao đổi tù binh bất chấp việc máy bay quân sự của Nga bị bắn rơi.
Trước đó, Nga cáo buộc quân đội Ukraine đã bắn rơi máy bay Il-76, song Kiev tỏ ra nghi ngờ những tình tiết quan trọng trong câu chuyện của Moscow, đồng thời cũng vẫn chưa xác nhận rằng các tù binh Ukraine đã ở trên chiếc máy bay xấu số này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã yêu cầu triệu tập họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào 15h ngày 24/1 giờ miền Đông (3h00′ ngày 25/1 giờ Việt Nam).
* Ukraine kêu gọi quốc tế điều tra vụ bắn rơi máy bay quân sự Nga: Ngày 25/1, hãng thông tấn RBC-Ukraine đưa tin, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã hủy chuyến thăm tới nhiều khu vực cho đến khi làm sáng tỏ “tình huống vụ bắn rơi máy bay Nga”.
Trên trang Telegram, ông Zelensky viết: “Tổng cục Tình báo đang làm rõ số phận của tất cả những người bị bắt giữ. Cơ quan an ninh điều tra mọi tình huống liên quan. Tôi đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cung cấp cho các đối tác những thông tin có được. Ukraine kiên quyết đề nghị tiến hành cuộc điều tra quốc tế”.
Thanh tra viên Ukraine Dmytro Lubinets cũng cho biết, Kiev sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo một cuộc điều tra quốc tế về vụ bắn rơi máy bay vận tải quân sự của Nga, đồng thời gửi thư tới LHQ và Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế để kêu gọi một cuộc điều tra.
Ngoài ra, ông Lubinets nhận định không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có số lượng người lớn như vậy trên máy bay. (Reuters, Sputnik)
* Ukraine xây dựng tuyến phòng thủ 3 cấp: Ngày 24/1, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal công bố kế hoạch xây dựng một tuyến phòng thủ 3 cấp với sự hỗ trợ của Slovakia, nhằm đảm bảo hiệu quả trên tất cả các hướng, cho phép vừa kiềm giữ kẻ địch vừa tiến công.
Để thực hiện kế hoạch, Slovakia sẽ cung cấp cho Ukraine máy xúc bọc thép và máy dò mìn. Chính phủ Ukraine đã đồng ý chi hàng chục tỷ Grivna cho dự án phòng thủ.
Thủ tướng Slovakia, vốn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nay cam kết sẽ không ngăn chặn việc bán vũ khí và ủng hộ chương trình của EU tài trợ cho Ukraine.
* EU không có kế hoạch B trong chính sách viện trợ cho Ukraine: Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) không có bất kỳ kế hoạch B nào trong trường hợp quyết định cung cấp 50 tỷ Euro viện trợ cho Ukraine bị Hungary ngăn cản tại Hội nghị thượng đỉnh của khối vào tuần tới.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Peterghem cho rằng, giải pháp tốt nhất cho EU sẽ là “thống nhất thỏa thuận với tất cả 27 nước thành viên, trong đó có Hungary”.
Ông bày tỏ tin tưởng các nhà lãnh đạo EU có thể đưa ra quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 1/2 tới.
TIN LIÊN QUAN | |
Một nước châu Âu viện trợ 4,3 tỷ Euro cho Ukraine |
Trung Đông
* Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho xung đột ở Gaza, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Ngô Khiêm cho biết ngày 25/1.
Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Ngô Khiêm nêu rõ: “Trung Quốc luôn áp dụng thái độ thận trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu vũ khí”. (Reuters)
* Qatar gửi dự thảo ngừng bắn mới tới Israel và Hamas, trong đó đề xuất Hamas trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giam giữ ở Dải Gaza, đổi lại, Israel sẽ phóng thích một số tù nhân Palestine.
Văn kiện cũng đề nghị tăng cường viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ của Palestine. (Reuters)
* Italy ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine, theo báo Times of Israel đưa tin ngày 24/1, lưu ý, Thủ tướng quốc gia châu Âu Giorgia Meloni bày tỏ không đồng tình với quan điểm của người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu phản đối giải pháp hai nhà nước.
Phát biểu tại Hạ viện Italy, bà Meloni tuyên bố: “Italy luôn nhắc lại rằng người dân Palestine có quyền có một nhà nước, một nhà nước độc lập, an toàn. Đó là một giải pháp công bằng và cần thiết, vì lợi ích của người Palestine cũng như của Israel. Vì lý do này, tôi không đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Israel”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy cũng nhấn mạnh: “Không thể yêu cầu công nhận một cách đơn phương. Điều kiện tiên quyết là sự công nhận quyền tồn tại của nhà nước Israel và quyền của công dân nước này được sống trong hòa bình và an ninh”.
* Houthi thừa tấn công tàu Mỹ ở Vịnh Aden và eo biển Bab al-Mandab hôm 24/1 “để ủng hộ người dân Palestine” và để đáp lại sự tấn công của Mỹ-Anh vào Yemen.
Một người phát ngôn của Houthi nói rõ, tên lửa của Houthi đã “đánh thẳng” vào một tàu chiến Mỹ đang bảo vệ 2 tàu chở hàng cũng của nước này và buộc 2 tàu thương mại phải “rút lui khỏi Biển Đỏ”. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam tiếp tục kêu gọi ngừng bắn tại Gaza |
Châu Âu
* Thụy Điển muốn thảo luận về việc gia nhập NATO với Hungary: Ngày 25/1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristesson đề nghị gặp người đồng cấp Hungary Viktor Oeeban tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới để thảo luận về đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm và các vấn đề song phương.
Trong khi đó, cùng ngày, trang tin tức index.hu đưa tin, Chủ tịch quốc hội Hungary László Kövér cho biết không có gì cấp bách trong việc chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. (Reuters)
* NATO không tìm kiếm xung đột với Nga: Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander cho biết, NATO sẽ theo đuổi mục tiêu tăng cường an ninh ở khu vực Biển Đen mà không rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.
Hồi tháng 7/2023, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Lithuania), các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đã thông qua kế hoạch triển khai 300.000 quân ở sườn phía Đông NATO, cùng với sự hỗ trợ lớn từ hải quân và không quân.
Bình luận về kế hoạch trên, bà Wallander khẳng định: “Đó là năng lực phòng thủ… nhằm mục đích chứng tỏ NATO có thể và sẽ tự bảo vệ mình… Mục tiêu không phải là kích động xung đột với Nga”.
Theo quan chức Mỹ, mục tiêu của kế hoạch là nêu rõ giới lãnh đạo Nga “không nên ảo tưởng rằng NATO không thống nhất, không có năng lực, không quyết tâm và không có khả năng tự vệ”. (TASS)
* Tin tặc tấn công một số cơ quan nhà nước của Ukraine: Ngày 25/1, Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz cho biết, một trong những trung tâm dữ liệu của tổ chức đã bị tấn công thông qua một “cuộc tấn công mạng quy mô lớn”, khiến các trang web và tổng đài không hoạt động.
Cơ quan bưu chính quốc gia Ukraine Ukrposhta cũng báo cáo “lỗi kỹ thuật nghiêm trọng” trong hệ thống Công nghệ thông tin. Các chuyên gia đang nỗ lực khắc phục sự cố và khôi phục toàn bộ hoạt động.
Trong khi đó, Cơ quan an toàn giao thông Ukrtransbezpeka – nơi duy trì hệ thống qua biên giới cho các lái xe Ukraine, cũng báo cáo sự cố xảy ra ở trung tâm dữ liệu. (Reuters)
* Nga chế tạo thành công UAV tự quay lại khi mất tín hiệu: Các kỹ sư tại phòng thiết kế MiS của Nga đã ra mắt thị trường một thiết bị bay không người lái (UAV) có khả năng tự quay lại điểm xuất phát khi bị mất hoàn toàn tín hiệu điều khiển do tác động của phương tiện tác chiến điện tử.
Mẫu UAV này được trang bị hệ thống Povodyr do Nga chế tạo để đưa phương tiện trở về điểm xuất phát khi không còn nhận được tín hiệu điều khiển nhờ vào nguyên tắc điều hướng quán tính không cần dùng đến hệ thống dẫn đường GPS. (Sputnik)
* Ecuador giao thiết bị quân sự do Nga sản xuất cho Mỹ: Ngày 24/1, Chính phủ Ecuador tuyên bố nước này sẽ tiến hành bàn giao thiết bị quân sự do Nga sản xuất cho Mỹ nhằm nhận lại các thiết bị và linh kiện mới từ Washington với mục đích tăng cường cuộc chiến chống lại tình trạng bạo lực đang lan rộng hiện nay.
Truyền thông Ecuador dẫn số liệu của chính phủ cho thấy đó có thể là 6 hệ thống phóng tên lửa DM-21, 6 hệ thống phóng tên lửa RM-70, 34 pháo phòng không ZU-23-2 mua từ Nicaragua vào năm 1994, cùng với đó là 6 chiếc trực thăng Mi-171 đã bị loại biên kể từ năm 2021.
Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga ngay lập tức tuyên bố, hành động của Ecuador vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Điều 4 của Thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật và quân sự được chính phủ hai nước ký kết vào tháng 11/2008 và làm tổn hại đến mối quan hệ song phương. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Ecuador ‘gói ghém’ hết thiết bị quân sự mua của Nga để gửi cho Mỹ, Moscow phản ứng |
Châu Á
* Căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ là vấn đề lịch sử: Ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết, căng thẳng biên giới Ấn-Trung là “vấn đề còn sót lại từ lịch sử chứ không phải toàn bộ quan hệ song phương”.
Ông Ngô Khiêm nhận định: “Thật thiếu khôn ngoan và không phù hợp khi phía Ấn Độ khăng khăng gắn kết tình hình biên giới với quan hệ song phương”.
Trước đó, một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, New Delhi có thể giảm bớt sự giám sát chặt chẽ đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc nếu biên giới hai nước vẫn hòa bình, tín hiệu đầu tiên cho thấy các biện pháp hạn chế kéo dài 4 năm có thể được dỡ bỏ. (Reuters)
* Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm Thái Lan và hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Srettha Thavisin ngày 25/1, thảo luận các nội dung liên quan đầu tư, năng lượng, an ninh và biến đổi khí hậu, kinh tế và du lịch, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Đức cam kết sẽ giúp Thái Lan thực hiện các dự án giảm lượng khí thải carbon nhằm giúp nước này sớm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Về phần mình, Thủ tướng Srettha mong muốn Đức sẽ ủng hộ việc miễn cho công dân Thái Lan không phải xin thị thực Schengen. (Bangkok Post)
* Trung Quốc cảnh báo Mỹ cần ngừng mọi hành động nguy hiểm, sau khi ngày 24/1, Wahsington thông báo tàu khu trục USS John Finn đã đi qua một hành lang ở eo biển Đài Loan “nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 25/1 cho rằng, các tàu chiến và máy bay Mỹ gây rắc rối và khiêu khích ngay cửa ngõ Trung Quốc, tiến hành các hoạt động quy mô lớn, tần suất cao ở vùng biển và vùng trời xung quanh Trung Quốc. (Reuters)
* Triều Tiên thông báo phóng thử tên lửa hành trình chiến lược mới mang tên Pulhwasal-3-31 vào ngày 24/1, như một phần của các hoạt động “thường xuyên và bắt buộc” nhằm phát triển các hệ thống vũ khí uy lực.
Bình Nhưỡng cho biết, vụ phóng tên lửa nêu trên không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn của các nước láng giềng của Triều Tiên và không liên quan gì đến an ninh khu vực.
Sau vụ phóng, nhắc lại cam kết an ninh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, Washington khẳng định đang theo dõi các hoạt động của Triều Tiên. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên hé lộ về tên lửa mới |
Châu Mỹ
* Nghiệp đoàn UAW chính thức ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ 2024. Đây là sự ủng hộ quan trọng rất được mong đợi đối với nhà lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm.
Theo CBS News, lập trường ủng hộ của UAW – liên minh gồm 400.000 thành viên – có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tổng thống Biden, người luôn ủng hộ tầng lớp lao động Mỹ.
Ông là chính trị gia của đảng Dân chủ trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử hiện đại tham gia ủng hộ các công nhân đình công gần Detroit, bang Michigan hồi tháng 9/2023, hành động mà Chủ tịch UAW Shawn Fain tuyên bố với các thành viên nghiệp đoàn rằng chính ông Biden mới là nhà đấu tranh cho nghiệp đoàn.
* Ecuador từ chối đề nghị hỗ trợ an ninh của Venezuela để ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia tăng ở Ecuador.
Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đề nghị hỗ trợ Ecuador trong cuộc chiến chống ma túy và các băng nhóm tội phạm.
Phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Ecuador Daniel Noboaa lên tiếng cảm ơn lời đề nghị của ông Maduro, song cho rằng chính phủ hai nước không có nhiều điểm tương đồng trong vấn đề xử lý khủng hoảng.
TIN LIÊN QUAN | |
Bất ổn ở Ecuador: ‘Chuyện ngược đời’ – hàng chục nhân viên nhà tù được tù nhân trả tự do |
Châu Phi
* Ấn Độ tin tưởng vào sự tăng trưởng của châu Phi, theo lời Ngoại trưởng nước này S Jaishankar ngày 24/1, đồng thời ông ca ngợi quỹ đạo khát vọng đang lên của lục địa này.
Ông Jaishankar cho rằng, châu Phi đang trỗi dậy và có tiềm năng tăng trưởng. Điều này sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Theo nhà ngoại giao này, đối với Ấn Độ, tính đa cực của thế giới sẽ không hoàn thiện cho đến khi châu Phi chiếm được vị trí xứng đáng.