Theo đánh giá, trong năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều nỗ lực, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.
Toàn ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 100% thủ tục hành chính trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường và công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo.
Ngành đã triển khai 18 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường đối với 29 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 tổ chức với tổng số tiền xử phạt là hơn 4 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành tài nguyên môi trường đã hoàn thành công tác thẩm định, giải quyết khối lượng công việc rất lớn, đồ sộ với hơn 23.900 hồ sơ đất đai của tổ chức và hơn 112.000 hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân.
Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực khí tượng thủy văn, biển, hải đảo và biến đổi khí hậu. Tích cực chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các trường hợp tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kể cả ở khu vực công lẫn khu vực tư.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá cao những nỗ lực của ngành TN&MT cũng như các địa phương đã giải quyết một khối lượng công việc lớn trong năm 2023. Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu toàn ngành cần chú trọng công tác quản lý đất đai, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, thực hiện kịp thời, chính xác nhiệm vụ được giao.
Theo đó, ngành TN&MT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, nhất là thời gian tới Quảng Nam phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Đồng thời, khẩn trương triển khai cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính, số hóa dữ liệu đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân; giải phóng mặt bằng tái định cư.
“Ngành tài nguyên môi trường phải cùng các địa phương rà soát cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đã ban hành, vướng cái gì trong thực tiễn, cần thiết thì phải sửa, đồng thời phải tham chiếu Luật Đất đai đã có hiệu lực. Luật Đất đai có nhiều điểm mới, trong đó có giới hạn thời gian giải phóng mặt bằng trong thời gian 36 tháng chứ không phải như hiện nay. Chúng ta phải có sự tiệm cận với những quy định mới của Luật đất đai để khi Luật có hiệu lực thì chúng ta không phải bị đông.
Để không xảy ra những vi phạm như trước đây, công tác xác định giá đất phải được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng. Về việc giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng phải hết sức quan tâm, làm chặt chẽ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời phải chú trọng phát triển, tạo lập quỹ đất. Năm 2024, phải tập trung tháo gỡ tồn tại vướng mắc đất đai đã kéo dài liên quan quyền lợi người dân, doanh nghiệp như đất thổ cư, đất sạt lở, đất công ích… phân nhóm để lên kế hoạch giải quyết. Có thể giải quyết từng địa phương chứ không thể chờ hết tất cả, tập trung giải quyết những điểm nóng, ưu tiên làm trước. .”- ông Lê Trí Thanh yêu cầu.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành TN&MT quản lý tốt các khu vực cấm khai thác hoặc được quyền khai thác khoáng sản; triển khai hệ thống quan trắc thủy văn nhất là ở các hồ thủy điện; tăng cường quản lý hệ thống trắc môi trường online, đẩy nhanh tiến độ đóng cửa và xây mới các bãi rác….