Nhiều nhà thầu bỏ cuộc
Bà Nguyễn Thị Phố Giang – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước – cho biết, năm 2023, tổng cục được giao kế hoạch nhập kho dự trữ 220.000 tấn gạo, nhưng hết năm mới thực hiện được 62% kế hoạch; còn lại hơn 83.197 tấn gạo chưa mua được.
Theo tìm hiểu của Lao Động, số gạo chưa được nhập vào các kho của cục dự trữ chủ yếu là do nhà thầu bỏ cuộc. Tiêu biểu như câu chuyện xảy ra tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình.
Trong năm 2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình lập dự án mua 7.500 tấn gạo chia ra 6 gói thầu. Thế nhưng, trong năm 2023, Thái Bình chỉ nhập được hơn 50%.
Lý do là 3/6 gói thầu của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình bị các doanh nghiệp đã trúng thầu “bỏ chạy”. Đó là gói thầu số 1 cung cấp 900 tấn gạo. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Khải Minh, địa chỉ HH4 – Khu đô thị Nam An Khánh, xã An Khánh, Hoài Đức.
Gói thầu số 2 cung cấp 1.000 tấn gạo. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương, địa chỉ tại nhà bà Bùi Thị Quy, Thôn Kìm, xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Gói thầu số 4 cung cấp 1.800 tấn gạo. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Vạn Lợi, địa chỉ thôn Bào Cừu, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Vì đâu bỏ thầu?
Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề các đơn vị bỏ thầu, ông Bùi Đình Toản – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình – cho biết: “Đây là tình trạng chung của ngành dự trữ năm 2023, lý do bởi giá gạo tăng cao, biến động thất thường. Có thời điểm trong khoảng 2 tuần giá gạo tăng tới mấy nghìn đồng/1kg. Các nhà thầu xác định nếu vẫn tiếp tục làm thì đương nhiên sẽ bị lỗ nên họ chấp nhận mất tiền cọc đảm bảo, vi phạm Luật Đấu thầu để từ chối thực hiện hợp đồng”.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Thị Bích Tho – đại diện nhà thầu Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương (đơn vị “bỏ chạy” khi trúng thầu) – cho rằng, do giá gạo thị trường tăng cao và chênh lệch so với giá gạo dự trữ nên doanh nghiệp không làm nổi.
“Ví dụ công ty mua gạo vào giá đã 15.000 đồng/kg nhưng giá gạo dự trữ chào thầu chỉ 12.500 đồng/kg, hoặc mua 16.000 đồng/kg mà giá chào thầu chỉ 13.100 đồng/kg, nếu làm thì trên 1.000 tấn gạo doanh nghiệp đối mặt thực tế lỗ từ 2,5 tỉ đồng đến gần 3 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đã có đơn đề nghị tháo gỡ, điều chỉnh giá gạo gửi Tổng cục Dự trữ Nhà nước rồi Bộ Tài chính nhưng sau cũng không thấy có kết quả” – bà Tho nói.
Chỉ phạt tiền không cấm thầu có là quá nhẹ?
Từ việc các doanh nghiệp “xù” thầu gạo dự trữ quốc gia đặt ra một dấu hỏi về chế tài xử lý.
Được biết, trong năm 2023, nhiều các doanh nghiệp xù thầu gạo dự trữ quốc gia. Nhưng các doanh nghiệp này chỉ bị phạt tiền mà không có doanh nghiệp nào bị cấm thầu.
Lấy ngay ví dụ 3 nhà thầu bỏ chạy ở Thái Bình cũng bị nhiều cục dự trữ xử phạt. Nhưng hình thức xử phạt chỉ dừng lại ở việc chấm dứt hợp đồng hoặc bị phạt tiền, không có doanh nghiệp nào bị cấm thầu.
Nhìn ở góc độ kinh tế, số tiền mà các doanh nghiệp phải nộp phạt không bõ gì so với số lỗ mà phải gánh nếu thực hiện đúng hợp đồng. Tiêu biểu Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương sau khi xù thầu bị Cục dự trữ khu vực Thái Bình phạt hành chính số tiền 655 triệu đồng. Trong khi đó, theo chủ doanh nghiệp này nếu cung cấp gạo theo hợp đồng họ có thể lỗ từ 2,5 tỉ đồng đến gần 3 tỉ đồng.
Được biết, ngoài bị phạt tiền, từ 2020, Bộ Tài chính từng đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện một phần hợp đồng cung cấp hàng dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, đại diện Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết, nhà thầu có vết xù thầu không bị cấm thầu mà chỉ bị trừ điểm.
Theo đó, điểm uy tín được chia thành 3 mức gồm: Nhà thầu không bị vi phạm về uy tín được đánh giá ở mức 50 điểm. Nhà thầu đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các cục dự trữ Nhà nước khu vực nhưng không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng để các đơn vị từ chối nhập hàng: được đánh giá ở mức 20 điểm. Nhà thầu đã được các cục dự trữ Nhà nước khu vực phê duyệt trúng thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng được đánh giá ở mức 0 điểm nhưng không bị loại.
Như vậy, với chế tài xử phạt tiền mà không cấm thầu như hiện nay liệu có chấm dứt được tình trạng các doanh nghiệp cung cấp gạo dự trữ quốc gia xù thầu? Bởi hiện tượng này từng xảy ra nhiều nơi trong nhiều thời gian khác nhau.