Năm nào cũng vậy, trước Rằm tháng Chạp là anh Nguyễn Thái Dũng, tiểu thương bán đồ vàng mã tại huyện Thạch Thất lại tìm về thủ phủ vàng mã Phúc Am (huyện Thường Tín, Hà Nội) để lấy vàng mã phục vụ nhu cầu thị trường.
Anh Dũng cho biết, bộ Táo quân, thần linh cùng cá chép năm nay của làng Phúc Am được thiết kế độc đáo, bắt mắt, giá thành dao động từ 80.000-120.000 đồng/bộ tùy thuộc vào kích cỡ khác nhau.
Tuy nhiên, anh Dũng chỉ lựa chọn các mẫu vừa và nhỏ thay vì các bộ lớn như năm ngoái. Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, do đó, các gia đình đều sẽ lựa chọn bộ vàng mã phù hợp túi tiền nhưng vẫn đảm bảo truyền thống.
Trái ngược với làng Phúc Am, thị trường vàng mã Ông Công – Ông Táo tại xã Song Hồ (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lại có phần ảm đạm vì lượng đặt hàng giảm sút, giá thành lại không cao.
Chị Phạm Thị Thao, chủ cơ sở vàng mã Lam Thao cho hay, lượng khách mua năm nay đa phần là số lượng ít, cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng, so với năm ngoái giảm 50%.
Giá thành bán ra hiện nay dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/bộ. Trung bình 1 ngày, cơ sở của chị Thao sản xuất được khoảng 100-200 bộ, với điều kiện có 10 nhân công làm việc liên tục.
Cũng ngán ngẩm vì đơn đặt hàng năm nay chỉ đạt khoảng 30% so với năm ngoái, nên bà Hà Thị Sợi đã hạ giá thành sản phẩm mức thấp nhất.
Theo bà Sợi, nếu như bộ to đẹp năm ngoái bán với giá 55.000 đồng thì nay giảm còn 40.000 – 45.000 đồng nhưng vắng khách đặt, loại bé 30.000-35.000 đồng lại được ưa chuộng.
Ngày tiễn Táo Quân về trời năm nay sẽ vào ngày 2.2 dương lịch (tức 23 tháng Chạp).