Theo đó, Bộ Y tế Israel công bố rằng Công ty Aleph Farms đã được chính phủ cho phép bán món bít tết đầu tiên trên thế giới làm từ tế bào thịt bò nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Bộ Y tế Israel cho biết việc phê duyệt loại thịt trên là nằm trong khuôn khổ chương trình thí điểm “Protein thay thế” do Cục Quản lý Rủi ro Lương thực thực hiện.
Bộ cho rằng nhu cầu của thế giới đối với “các sản phẩm có nguồn gốc nhân tạo” ngày càng tăng, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang tích cực làm việc để phê duyệt các nguồn thực phẩm thay thế. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi động thái trên là “một bước đột phá toàn cầu” và “tin tức quan trọng đối với an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và động vật”.
Công ty nông nghiệp di động hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm Aleph Farms sau khi được cấp phép sẽ sản xuất thịt bò từ các tế bào có nguồn gốc từ trứng được thụ tinh của bò Lucy, một con bò Angus đen sống ở một trang trại ở California.
Tuy nhiên, có thể mất vài tháng trước khi sản phẩm được đưa ra phục vụ thực khách vì cơ quan quản lý vẫn phải phê duyệt nhãn hàng của công ty và tiến hành kiểm tra lần cuối.
“Giải quyết những thách thức chung như an ninh lương thực sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo sự thịnh vượng của khu vực Trung Đông, cũng như các khu vực khác trên thế giới phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là châu Á”, Times of Israel dẫn lời Giám đốc điều hành Aleph Farms Didier Toubia.
Những người ủng hộ cho rằng việc tạo ra thịt được “nuôi cấy tế bào”, còn được gọi là thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, có thể giúp giảm tác động của việc sản xuất thịt thông thường đến môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng việc sản xuất loại thịt như vậy trên quy mô lớn sẽ đồng nghĩa với chi phí cao.
Là quốc gia khan hiếm đất canh tác, năm 2022, Chính phủ Israel công bố kế hoạch 5 năm trở thành quốc gia đi đầu về các giải pháp và công nghệ sản xuất thịt nhân tạo, xác định công nghệ thực phẩm nằm trong 5 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư.
Theo kế hoạch, Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel đã dành 50 triệu shekel (14 triệu USD) hỗ trợ xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất thịt bò nhân tạo. Thay vì chăn nuôi và giết mổ gia súc để lấy thịt, các tế bào gốc của bò sẽ được nuôi cấy trong nhà, phát triển và lên men để tổng hợp thành các mô cơ giống như thịt bò nạc.
Tháng 4/2023, Chính phủ Israel đã cấp giấy phép đầu tiên cho công ty khởi nghiệp Remilk để sản xuất sữa nhân tạo, cung cấp cho thị trường trong nước. Theo công ty này, đạm sữa được sản xuất thông qua quy trình lên men bao gồm các thành phần “giống hệt về mặt hóa học” với sữa bò và các sản phẩm từ sữa.
Cho đến nay, Mỹ và Singapore là hai quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt gà nhân tạo. Theo thống kê của hãng tin AP, hiện có hơn 150 công ty trên toàn thế giới được cho là có kế hoạch sản xuất thịt phát triển trong phòng thí nghiệm.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Nông Nghiệp Việt Nam)