Rác vũ trụ vốn là những vật thể do con người tạo ra, gồm những thiết bị được phóng lên không gian như các tên lửa đẩy, các vệ tinh cũ không còn hoạt động. Hiện chúng vẫn bay lơ lửng ngoài không gian vũ trụ.
Trong quỹ đạo Trái đất hiện đang tồn tại vô số các mảnh rác vũ trụ. (Nguồn: Live Science) |
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành Công nghiệp Hàng không vũ trụ trong vài năm gần đây, số lượng rác vũ trụ tồn tại trên quỹ đạo Trái đất đang ngày càng nhiều lên.
Vào thời điểm năm 1961, khi Liên Xô đưa nhà du hành đầu tiên lên vũ trụ, có chưa tới 1.000 mảnh rác ở trên quỹ đạo. Ngày nay, NASA cho biết có tới hơn nửa triệu mảnh rác vũ trụ có kích thước nhỏ đang bay lơ lửng trong không gian vũ trụ.
Các mảnh rác vũ trụ có thể nhỏ như viên bi, hoặc lớn hơn như động cơ đẩy của tên lửa, song dù kích thước thế nào chúng vẫn là mối đe dọa thực sự đối với Trái đất cũng như với các tàu vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo.
Các thành phần của rác vũ trụ bao gồm nhôm, đồng, lithium và chì. Chúng là những thành phần vật liệu của các tên lửa, các tàu vũ trụ, tàu thăm dò… từng được phóng lên không gian, rồi tự hủy thông qua quá trình trở lại Trái đất.
Từ lâu, các nhà khoa học của NASA cho rằng, việc đốt cháy rác vũ trụ ở trên bầu khí quyển của Trái đất sẽ tạo ra ô nhiễm không khí. Lý do là trong “mớ rác” đó, có những hợp chất cực kỳ nguy hiểm, như oxit nhôm – là sản phẩm còn lại của quá trình đốt cháy hợp kim nhôm, có khả năng phá hoại tầng ozone bảo vệ Trái đất.
Theo giới nghiên cứu, nếu nồng độ oxit nhôm trở nên quá cao trong tầng bình lưu, có thể dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ của tầng này, dẫn đến những hậu quả tai hại đối với khí hậu Trái đất.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm rác vũ trụ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ phóng tên lửa và vệ tinh lên không gian vũ trụ ngoài Trái đất.
Việc phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất khiến lượng rác vũ trụ cũng tăng lên theo cấp số nhân. Nguyên nhân là các vệ tinh thường có thời gian hoạt động ngắn, và hầu như chúng đều sẽ bị vứt bỏ lại ngoài không gian vũ trụ sau khi đã kết thúc nhiệm vụ.
Theo Space.com, rác vũ trụ vẫn thường xuyên rơi vào khí quyển Trái đất và các vụ việc này đều được các cơ quan quản lý ghi nhận.
Các nhà khoa học cảnh báo, với tình hình hiện nay, mỗi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo sẽ có nguy cơ va chạm vào một mảnh rác vũ trụ đang bay lơ lửng.
Do đó, để giảm số lượng rác vũ trụ, các nhà nghiên cứu kiến nghị các cơ quan vũ trụ của các quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng vệ tinh hiệu quả. Những giải pháp thu hồi rác vũ trụ và xử lý các vệ tinh không còn hoạt động cũng đang được Mỹ và một số quốc gia châu Âu nỗ lực nghiên cứu.
(tổng hợp)