Mỗi năm, khi tháng Chạp buông trùng trình những lời gọi mời về sự đoàn tụ gia đình, tôi lại nghĩ về ông nội và cách mà ông găm cái tết cổ truyền trong lòng con cháu, lan tỏa tâm thế đón xuân đến người làng. Đại gia đình vẫn quây quần, là mô hình tứ đại đồng đường tuyệt diệu.
Mỗi lần về nhà, tôi thường ngắm mãi không gian bếp của gia đình, như thể đó là một vùng cổ tích, nơi mỗi thành viên đều có thể trở thành nghệ sĩ nấu ăn của gia đình. Hễ thấy ông sắm sửa, rửa khung bánh, chẻ lạt giang… là thấy nghĩa nhân từ đó mà ra. Sự ấm cúng của tết cũng từ đó lan truyền.
Những năm qua, theo lối con sông về làng, tôi chợt nao nao nghĩ về sự vơi đi của không khí tết, dù cánh đồng, con sông, bầu trời vẫn đón xuân theo cách của thiên nhiên rộng lượng.
Không chỉ ở quê tôi, mà ở nhiều nơi, nhiều năm qua người ta nhấng nháo chạy kiếm ăn, du lịch khắp nơi. Nhưng đến cái tết lại vội vã ào ào mua sắm online, đặt cỗ bàn. Bánh chưng thì chạy ra chợ làm một cặp về thắp hương… thế rồi cũng thành tết. Tết hiếm thấy cảnh xôn xao hẹn hò giúp gia đình rửa lá dong, gói bánh, chất củi lửa luộc bánh và hồi hộp chờ chín.
Sự nhợt nhạt với tết đã xảy ra hơn chục năm rồi. Nội buồn. Hơn nửa thế kỷ ông vẫn giữ tình yêu với tết, tự tay gói bánh. Ông bảo: “Bánh chưng không chỉ là một món ăn, mà còn là linh hồn của tết. Công nghệ tiện lợi đến đâu cũng không gieo được niềm vui cho tết. Công nghệ làm sao đưa được mùi vị thật vào đêm giao thừa, vào lối ứng xử văn hóa, nhân văn đầy tình cảm?”. Ông bảo con cái, dâu rể, mình cứ phải làm trước, tết chậm thôi, giữ cái nếp gói bánh chưng. Rồi nói với cả bố mẹ đẻ, anh em về đàng mình. Đại gia đình mình giữ trước, làng xóm nhìn vào, người ta ắt học theo.
Chuyện trò với các bô lão trong làng dưới gốc đa cổ thụ, ông cũng khéo lồng ghép chuyện giữ ký ức. Các bô lão nghĩ phải. Làng rủng rỉnh giàu lên, đâu thiếu cái ăn cái mặc. Có chăng là thiếu tâm thế đón xuân, thiếu cái hồ hởi về những ngày đoàn tụ sum vầy. Các cụ cũng về làm như nội đã làm. Vui nữa là nhiều người đến nhà tôi để “tham khảo”, thấy cảnh tuyệt vời về cách chuẩn bị tết.
Ông nội phân công cho mỗi người một việc, bởi để có được nồi bánh chưng phải làm rất nhiều công đoạn. Trước đó, mẹ tôi lo đong gạo, mua thịt, bà nội tỉ mỉ từ khâu chọn lá, tìm lạt giang, bố lo củi và chuẩn bị nồi. Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người nông dân như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang. Gia đình sẽ thu xếp một buổi đãi gạo, đỗ xanh, rửa lá, thái thịt. Lúc quây quần gói bánh, người gấp lá, người ngồi cắt lá cho vừa khuôn, còn ông nội sẽ phụ trách gói bánh. Cái thú vị của việc tự tay gói bánh là có thể làm nhiều kiểu nhân theo khẩu vị từng người. Nên sẽ có loại bánh nhân mặn, bánh nhân đậu xanh và thịt. Rồi cả bánh nhân đậu ngào mật, bánh chay, bánh nhỏ xíu dành riêng cho trẻ con nữa.
Quây quần bên nồi luộc bánh là cảm giác hồi hồi, gắn kết và thích thú nhất. Củi phải tiếp thêm, nước phải bù vào liên tục. Mùi củi cháy hơi nồng nồng, khói tỏa cay cay, tiếng nổ lách tách càng làm cho không khí xuân trở nên ấm cúng. Ngoài vườn, cây mận, cây mai được thiên nhiên “phân công” nhiệm vụ làm đẹp cũng kiệt cùng sắc thắm. Chúng ngó nghiêng gia chủ, ngó nghiêng nồi bánh chưng hồi hộp hóng xuân. Đó là cách đón tết mà làng vốn có, mà trong một thời gian mai một, nhờ sự nhiệt tình khơi gợi ký ức của ông, nét đẹp đã được giữ lại. Ông đã giữ cổ tích, ký ức không chỉ cho chúng tôi mà cho nhiều lớp thanh niên, trẻ con của làng. Sự kết nối bàn tay với bàn tay, tạo nên những chiếc bánh nghĩa tình. Kết tinh đó đâu chỉ là miếng ăn, mà chiếc bánh mang cả niềm ấm áp và tình cảm gia đình, gói ghém cái rộn ràng tiếng cười nói của trẻ con và người lớn.
Ngày xưa, ở quê tôi không có tủ lạnh, các gia đình thường coi chiếc giếng thơi là chiếc tủ lớn. Bánh luộc xong, vớt ra rửa rồi đem thả xuống giếng ngâm vài giờ, nhiệt độ thấp dưới giếng giúp bánh có thể “tự bảo quản”, trời có nồm cũng không sợ thiu.
Cuộc sống công nghiệp trôi đi quá nhanh. Khi về tổ ấm, về vườn tược với tiếng chim hót sẽ làm cuộc sống chậm lại, trở nên ấm cúng và yên bình. Những điều mà ở ngoài đời ồn ã, tôi chẳng thể tìm thì có thể thấy nơi căn bếp, góc vườn, thấy nơi bàn tay ông nội đã cố gắng chắt chiu, giữ gìn một thứ “nghi lễ” để mọi người sum vầy, chia sẻ. Xét đến cùng, tết, quan trọng là rôm rả không khí, là phải tưng bừng vui!
DIÊN KHÁNH
Hàng Trống – Hoàn Kiếm