Bệnh nhân cấp cứu, nhập viện liên quan hô hấp, đột quỵ, tim mạch… tại các bệnh viện tuyến trung ương tăng gấp đôi trong ba ngày qua, nhiều người chuyển nặng.
Sáng 23/1, bệnh nhân nam 60 tuổi, ở Hà Nội, đau đầu, chóng mặt, ù tai, tê tay chân khi thức dậy. Gia đình tưởng ông bị trúng gió nên cạo gió, song tình trạng không giảm nên đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán tai biến mạch máu não. Đây là một trong hàng trăm bệnh nhân phải cấp cứu khi thời tiết chuyển rét hại.
TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết số ca vào cấp cứu tại trung tâm Đột quỵ, Thần kinh đều tăng ít nhất 10-15% so với tuần trước. Riêng Trung tâm Thần kinh, mỗi ngày thường tiếp nhận 30-50 bệnh nhân, song ba ngày gần đây tăng gấp đôi.
Số bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ, tăng huyết áp… vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tăng hơn ngày thường. Bác sĩ Hoàng Văn, Phó Giám đốc, lý giải vào những ngày trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nhóm vốn có sẵn yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá…
Ngoài nhóm tim mạch, nhiều người mắc các chứng bệnh hô hấp cũng bị ảnh hưởng bởi giá lạnh. Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, số ca mắc bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính nhập viện nhiều. Nơi này tiếp nhận 20-30 ca/ngày, 10% phải thở máy. Như người phụ nữ 65 tuổi, ở Bắc Ninh, được đưa vào cấp cứu khi khó thở, tắc nghẽn phổi cấp tính. Bà bị tắc nghẽn phổi mạn tính nhiều năm, bất ngờ khó thở, suy hô hấp nặng trong đợt rét này. Các bác sĩ phải đặt máy thở để cấp cứu hồi sức tích cực.
Bên cạnh nhóm người già, bệnh nền, bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cảnh báo nhiều người trẻ chủ quan vừa tắm xong đã ra khu vực có gió, tập thể dục sáng sớm nhưng mặc ít áo, nhiễm lạnh dẫn đến liệt dây thần kinh số 7. Nơi này tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 mỗi ngày, trong đó 2/3 là người trẻ.
Trước diễn biến rét đậm tăng cường, Bộ Y tế hướng dẫn người dân, nhất là nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, thai phụ; người mắc các bệnh mạn tính tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp… cần cẩn trọng.
Theo đó, mọi người cần hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đến 6h. Khi ra ngoài nên trang bị quần áo ấm, che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang… Không nên tắm sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tính mạng. Ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét.
Hiện, một số bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Một số khoa phòng tại các viện Nhi, Lão khoa, K, E, Bạch Mai, Tim Hà Nội, Hà Đông, Đức Giang… trang bị điều hòa 2 chiều và quạt sưởi. Các bệnh viện cũng bố trí thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp… Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh đều bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt. Bệnh viện Bạch Mai bố trí các cây tỏa nhiệt đặt trước khu cấp cứu để giữ ấm cho người nhà bệnh nhân.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn ghi nhận sáng 23/1 hầu hết miền Bắc rét dưới 10 độ, thấp nhất là Mẫu Sơn, băng giá phủ trắng. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng phổ biến 9-10 độ C. Đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đến 25/1.
Lê Nga