6h sáng chị Nguyễn Minh Anh (38 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) mở điện thoại theo dõi dự báo thời tiết, màn hình hiển thị thời tiết sáng nay khu vực Hà Nội chỉ 8 độ C, chị loay hoay không biết nên cho con nghỉ hay đi học.
“Hai vợ chồng đều làm công chức, viên chức nhà nước, ông bà thì ở quê, chúng tôi không biết gửi con ở đâu”, chị Minh Anh nói.
Sau một hồi đắn đo, vợ chồng chị quyết định gửi con nhờ hàng xóm trông hộ. Việc con bất ngờ nghỉ học không phải là chuyện gia đình nào cũng tìm ra giải pháp ngay được, nhất là khi gia đình chị có hai con, bé lớn học lớp 5, bé nhỏ lớp 1.
Cũng có hai con học tiểu học, gia đình anh Bùi Ngọc Bảo (42 tuổi, Ngọc Thuỵ, Long Biên) không biết gửi con ở đâu sau khi nhận được thông báo từ nhà trường cho học sinh nghỉ học do thời tiết ngoài trời dưới 10 độ C.
Vợ chồng anh đều làm nhân viên văn phòng về vận tải nên dịp cuối năm công việc khá bận rộn, khó xin nghỉ ở nhà để trông con.
“Nhận được thông tin, vợ chồng tôi vội xin công ty nghỉ nhưng không được. Do vậy hai vợ chồng phải gọi taxi để đưa con sang nhà bà ngoại đây hơn 20km để gửi con vài ngày, chờ đợt rét đậm, rét hại qua đi”, anh Bảo chia sẻ.
Thường xuyên xem dự báo thời tiết những ngày qua, chị Lê Thị Hải (36 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhanh chóng nhờ ông bà nội, ngoại tìm người dưới quê lên trông hộ mấy ngày.
Do vào vụ mùa cuối năm nên không tìm được ai, chị Hải phải tìm người qua các trung tâm nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, do thời gian thuê ngắn nên giá thuê đều rất cao, từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày.
Giá thuê cao, đồng thời cũng không mấy yên tâm giao nhà, giao con cho người lạ nên vợ chồng chị thống nhất gửi con tại điểm trông trẻ tự phát trong tòa chung cư đang sinh sống.
Theo chị Hải, hình thức trông trẻ này đang được nhiều phụ huynh lựa chọn trong những ngày con nghỉ học do giá rét vì yên tâm giao con cho người quen trong tòa nhà, cộng với việc giá cả cũng hợp lý từ 150.000 – 250.000 đồng/ cháu/ngày.
Tuy nhiên, do nhu cầu cao nên những điểm trông trẻ tự phát chỉ nhận các cháu từ 4 tuổi trở lên, bố mẹ gửi đồ ăn sáng và sữa uống cả ngày, chủ nhà chỉ nấu bữa trưa cho các cháu. Mỗi điểm như vậy nhận tối đa 3 – 6 trẻ/ngày.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 6h sáng 23/1, nhiệt độ Hà Nội đo tại Hà Đông là 9,9 độ C. Căn cứ vào nhiệt độ dự báo và quy định của Sở GD&ĐT các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đồng loạt thông báo phụ huynh không đưa con đến trường, cho trẻ ở nhà học online để đảm bảo sức khoẻ cho các em.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội) thông tin, sáng nay học sinh trên địa bàn quận nghỉ học tại nhà do thời tiết khu vực Thủ đô dưới 10 độ C.
“Việc cho học sinh nghỉ ở nhà tránh rét được các trường thực hiện nghiêm, đặt sức khoẻ học sinh lên hàng đầu”, bà Hạnh nói và cho biết với trường hợp gia đình nào bận rộn không sắp xếp được trông con, các trường vẫn bố trí cho học sinh đến lớp, giữ ấm và tổ chức hoạt động dạy học phù hợp cho các em.
Bên cạnh việc duy trì mở lớp đón học sinh, hỗ trợ phụ huynh khó khăn tìm chỗ gửi con, nhiều trường học cũng lùi giờ vào lớp lên 8h30 – 9h, bật điều hoà sưởi ấm để thuận tiện cho trẻ đến trường, tránh giá rét.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, với một số gia đình không có điều kiện trông con nên dù dưới 10 độ C, các trường học trên địa bàn quận Hà Đông luôn mở cửa đón học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi làm.
“Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tùy số lượng học sinh nghỉ học nhiều hay ít để có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em. Những em vì lý do thời tiết đi học muộn trong những ngày này, trường học đều linh hoạt đón vào lớp”, bà Hằng nói.
Phòng cũng đã yêu cầu các nhà trường sẵn sàng các điều kiện về nước ấm, khăn ấm, thức ăn ấm nóng cũng như kiểm tra lại các lớp học đảm bảo kín gió.
Trường học các cấp sẽ chủ động quyết định thời gian vào học, thời gian tan trường. Tại địa bàn, đa số trường THCS vào lớp trong khoảng thời gian từ 7h15 – 7h30; bậc tiểu học từ 7h45 – 8h và bậc mầm non đón trẻ từ 7h đến 8h30 sáng.
Trước đó, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, với một số trường nội thành, cơ sở vật chất rất tốt, giao thông đi lại thuận tiện, việc gửi con ở trường cũng là phương án tốt nếu gia đình có nhu cầu cần thiết. Dựa trên quy định chung mà Sở đã ban hành, các trường có thể linh hoạt sao cho phù hợp, trên cơ sở sao cho tốt nhất với sức khỏe học sinh, được cha mẹ học sinh đồng thuận.
Việc chăm sóc trẻ những ngày rét đậm, đòi hỏi nhà trường phải tỉ mỉ hơn nữa, thực đơn các món ăn phù hợp hơn, luôn có đủ nước ấm để vệ sinh cho các cháu, các lớp học phải ấm áp. Thậm chí vì trời rét, có một số học sinh có thể đến rất muộn, nhà trường vẫn phải đón trẻ, không quá khắt khe về giờ giấc.
Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo, các nhà trường không nên tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời; cần đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi tổ chức các giờ học thể dục ngoài trời; không yêu cầu học sinh mặc đồng phục nếu trời quá rét.
Khánh Sơn