Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) ngày càng đạt được những kết quả tích cực. Sự linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Kiều (thôn Tân Hưng, xã Đức Lĩnh) có cuộc sống ấm no nhờ mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Xuân Kiều (ở thôn Tân Hưng, xã Đức Lĩnh) thuộc diện khó khăn của địa phương. Cuộc sống gia đình chạy ăn từng bữa, chủ yếu phụ thuộc vào những chuyến đi rừng. Tuy nhiên, nhờ được chính quyền, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi và định hướng phát triển sản xuất phù hợp với thị trường, từ chỗ việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá từ tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch…
Ông Kiều cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đang trồng 3 ha cam, chanh và bưởi với hơn 800 gốc, phần lớn đã cho thu hoạch năm thứ 4. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm 3 ha rừng nguyên liệu, chăn nuôi thêm 7 con hươu lấy nhung và 4 con trâu. Mỗi năm, thu nhập từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi đã đưa về cho gia đình từ 300 – 350 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, tôi đầu tư xoay vòng để có thể tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Mỗi năm, thu nhập từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi đã đưa về cho gia đình ông Kiều từ 300 – 350 triệu đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên trong hành trình xóa đói, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn xã Đức Lĩnh đã có nhiều khởi sắc.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đến nay chỉ còn 3,75%; toàn xã đã xây dựng được 310 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Khi đời sống được nâng lên, người dân có thêm điều kiện hỗ trợ xã trong các hoạt động, phong trào như hiến đất mở đường, đóng góp tiền của xây dựng các công trình phúc lợi…
Toàn xã Đức Lĩnh đã xây dựng được 310 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Xuân Thê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Là địa bàn có dân số đông nhất huyện với gần 5.800 người, để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, định hướng sản xuất nông nghiệp cho bà con. Việc nuôi con gì và trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao luôn được cấp ủy, chính quyền đầu tư học hỏi và thí điểm. Cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong “mở đường, dẫn lối”, khi mô hình thành công mới nhân rộng trên địa bàn. Cách làm này không chỉ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn tạo niềm tin tuyệt đối với Nhân dân”.
Không chỉ ở xã Đức Lĩnh, những năm qua, phong trào xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Vũ Quang luôn được các địa phương và bà con nhân dân vào cuộc đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Vũ Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Gia đình bà Nguyễn Thị Khánh (thôn Hương Tân, xã Đức Hương) là một trong số đó. Trước đây, gia đình bà là hộ nghèo nhiều năm liền do thụ động trong nếp nghĩ và thiếu vốn làm ăn. Đầu năm 2016, được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Quỹ phát triển phụ nữ để nuôi gà và trâu, bò; đời sống nhờ đó cũng được nâng lên.
Bà Khánh tâm sự: “Giờ đây, có mô hình sinh kế bền vững nên gia đình không còn lo đói, lo thiếu như trước nữa mà chỉ quan tâm làm sao trồng cho tốt, nuôi cho nhiều để bán có tiền tích lũy. Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của gia đình khoảng 6 triệu đồng, so với trước đây thì đã tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt, tấm thẻ “hộ nghèo” của gia đình đã được xóa, chúng tôi rất mừng”.
Ngôi nhà mới của bà Trần Thị Ngọ (thôn 3 – Bồng Giang, xã Đức Giang) được Ban Chỉ đạo 22 huyện và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng.
Nghĩ về ngôi nhà mới sẽ được hoàn thiện trong tháng tới, bà Trần Thị Ngọ (thôn 3 – Bồng Giang, xã Đức Giang) không giấu nổi được niềm vui. Bởi, nhiều năm qua, bà phải sống trong căn nhà chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, luôn bất an mỗi khi mùa mưa bão đến.
Bà Ngọ xúc động chia sẻ: “Ngôi nhà mới của tôi có diện tích 60 m2, tổng kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, Ban Chỉ đạo 22 huyện và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ 70 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình vay mượn thêm. Căn nhà này là ao ước suốt một đời của tôi. Nhờ các cơ quan, đoàn thể, bà con lối xóm hỗ trợ, tôi mới có được ngôi như thế. Tôi thật sự xúc động, cảm ơn sự giúp đỡ của xã hội dành cho gia đình”.
Tính đến nay, toàn huyện Vũ Quang còn 466 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,17%; hộ cận nghèo còn 490 hộ, chiếm tỷ lệ 5,44%.
Bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vũ Quang cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện nhanh chóng và đạt hiệu quả tốt. Đến nay, toàn huyện còn 466 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,17% (giảm 70 hộ, giảm 0,78% so với đầu năm 2022); hộ cận nghèo còn 490 hộ, chiếm tỷ lệ 5,44% (giảm 102 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 1,13% so với đầu năm 2022).
Đặc biệt, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đã có 21 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, nguồn Ban Chỉ đạo 22 tỉnh và huyện hỗ trợ với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Những con số đó đã góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển đi lên”.
Văn Chung