ANTD.VN – Chỉ còn hơn 2 tuần là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ghi nhận tại chợ truyền thống cho thấy các mặt hàng đồ khô, thực phẩm thiết yếu sức mua cầm chừng, có có nơi ế ẩm, nhìn chung giảm đến khoảng 30 – 40% so với năm ngoái. Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị sức mua có tăng hơn. Tuần cận Tết, các tiểu thương kỳ vọng sức mua sẽ tăng 50% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Các mặt hàng quần áo, giày dép dự kiến tăng nhẹ.
Mua buôn cầm chừng
Tại “thủ phủ” bánh kẹo, nước giải khát La Phù, Hoài Đức (Hà Nội) ngày cuối tuần cận Tết đi dọc tuyến đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã, gia đình nào cũng tận dụng mặt tiền của ngôi nhà làm cửa hàng, kho chứa sản phẩm. Xe máy, ô tô vẫn tới chở hàng nhộn nhịp hơn, nhưng vẫn không được như những năm trước. Hàng hóa ở đây đa dạng, mẫu mã phong phú, là trung tâm bán buôn cho các cửa hàng, siêu thị và đưa đi các tỉnh thành. Năm nay, đã bước vào vụ Tết, nhưng sức mua tại đây vẫn rất cầm chừng. Khách hàng chốt đơn số lượng lớn không nhiều, đa phần là lấy cầm chừng chứ không có tâm lý “ôm” hàng như trước.
Tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) lượng khách đến mua buôn thưa vắng hơn các năm trước |
Chị Thu Nga (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Bây giờ hàng hóa sẵn nên bán tới đâu đi lấy tới đó, vừa bán vừa nghe ngóng xu hướng tiêu dùng của thị trường. Chúng tôi chỉ dám nhập vài loại chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp với người dân trên địa bàn”. Ở góc độ người bán hàng, chị Nguyễn Ngọc Anh – đại diện Công ty TNHH hàng tiêu dùng Thái Lan (La Phù) cho biết, vào thời điểm này mọi năm, người đến mua hàng đông tấp nập. Nhưng Tết năm nay khác, đơn hàng giảm mạnh, người mua hàng cũng ít. Các mặt hàng khách lựa chọn nhiều là sản phẩm có giá ở mức trung bình.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ một hộ kinh doanh bánh kẹo tại xã La Phù chia sẻ, chưa bao giờ kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm Tết lại tiêu thụ chậm như vậy trong khi Tết đã cận kề. Người bán hàng chỉ kỳ vọng cận Tết người dân mua sắm nhiều hơn thì tiêu thụ sẽ tăng.
Cùng với đó, anh Ngô Văn Trung, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hoàng Gia Hà Trung (Khu công nghiệp La Phù) cho biết, từ tháng 10-2023 là bắt đầu vào vụ Tết 2024, xưởng luôn duy trì gần 20 công nhân làm việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này xưởng đã giảm số lượng công nhân xuống còn 10 người. “Gia đình tôi làm bánh kẹo lâu năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động. Tuy nhiên, chưa năm nào khó khăn như hiện nay khi vào vụ cao điểm Tết mà đơn hàng giảm 1/2. Khách ở xa bây giờ đã dừng đơn hàng, khách ở gần thì không bán được nhiều. Người tiêu dùng cũng không mang tâm lý dự trữ như trước” – anh Ngô Văn Trung nói.
Hàng hóa phục vụ Tết dồi dào nhưng sức mua của người dân cầm chừng |
Theo khảo sát của An ninh Thủ đô, tại một số chợ truyền thống như Nghĩa Tân, Trung Văn, Thành Công và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết như măng khô, miến, nấm, bóng bì, thực phẩm chế biến, các đồ đặc sản cho tới các mặt hàng mã đều dồi dào, giá cả ổn định. Măng khô có giá từ 280.000 – 350.000 đồng/kg tùy loại; miến từ 70.000 – 150.000 đồng/kg; bóng bì 40.000 đồng/lạng; bánh đa nem truyền thống 7.000 đồng/thếp… Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, chị Nguyễn Ngọc Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sức mua năm nay chậm hơn các năm trước, nhiều đầu mối mua hàng vẫn mang tâm lý cầm chừng. Những mặt hàng phục vụ Tết có thời hạn sử dụng ngắn thì tiểu thương không dám “ôm” và đều chấp nhận gần Tết giá có tăng thì bán đuổi theo giá.
Đẩy mạnh khuyến mại kích cầu mua sắm
Trước sự mua sắm cầm chừng của người dân, tại các hệ thống siêu thị đã tập trung đẩy mạnh các gian hàng Tết từ chất lượng đến mẫu mã cùng với nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. Chị Nguyễn Thu Trà (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tranh thủ cuối tuần chị đưa con đi siêu thị Coop Mart Hà Đông mua sắm Tết. Hàng hóa năm nay dồi dào, khuyến mại nhiều nên cũng tiết kiệm được một khoản. “Năm nay khó khăn nên tôi mua đồ cũng hạn chế hơn trước. Nói chung chỉ cần mua đủ dùng và thêm giỏ quà biếu 2 bên nội ngoại” – chị Thu Trà cho hay.
Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị như BRG Mart, Hapromart, Haprofood; Go!BigC, Co.opmart/Co.opXtra; WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN đang áp dụng khuyến mãi hấp dẫn tới trên 50% với hàng trăm sản phẩm. Nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết được giảm giá ưu đãi lên đến 30%. Tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau. Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Theo đó, nhiều mẫu giỏ quà Tết từ cao cấp đến bình dân với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.
Là người bán hàng trực tiếp, chị Nguyễn Hương, nhân viên hệ thống siêu thị BRG Mart cho biết, sức mua tại siêu thị hiện ghi nhận khá tốt. Hàng thiết yếu, nông sản, đặc sản vùng miền như măng, nấm, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo… ghi nhận sức mua tăng hơn. Để kích cầu, nhiều sản phẩm giảm giá tới 50%.
Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho hay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm đủ đầy, tiết kiệm, hiệu quả, dịp cuối năm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. Hiện lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP Hà Nội. Dự kiến, hàng bình ổn giá chiếm hơn 30% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị.
Đại diện hệ thống bán lẻ WinCommerce cho biết, từ đầu tháng 12-2023, siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN trên toàn quốc đã đưa hàng hóa Tết lên quầy với giá ưu đãi, đơn cử là đồ khô, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát. Năm nay, WinCommerce tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập quà Tết 2024 “Tết trọn vị – Trao thành ý” với các mẫu giỏ quà có giá thành phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Ngoài ra, chương trình khuyến mại “Khai tiệc tân niên – Vuông tròn vị Tết” diễn ra từ ngày 28-12-2023 đến 10-1-2024, mang tới ưu đãi lên đến 30% cho người tiêu dùng khi mua sắm những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết
Theo đại diện của hệ thống bán lẻ Central Retail, hiện tại Big C đang giảm 50% cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc sắc đẹp, đồ dùng gia đình, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gia vị… Ghi nhận cho thấy, tại các siêu thị, hàng hóa Tết mang sắc màu vàng, đỏ là chủ đạo được phủ kín các kệ hàng. Nhiều sản phẩm được bán theo combo hoặc kèm khuyến mại, quà tặng để thu hút khách hàng. Hiện sức mua hiện tại tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bắt đầu tăng, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.