Chuyên gia từ Mỹ, Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan và Việt Nam bàn về phương pháp khoa học trong giảng dạy, học tập ngôn ngữ tại hội thảo FCLE 2024.
Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) tổ chức Hội thảo khoa học về Ngôn ngữ và Giáo dục FCLE 2024 vào ngày 21/1, tại Trường Đại học FPT Cần Thơ. Sự kiện có sự tham gia của hơn 30 diễn giả là giảng viên, chuyên gia đến từ 6 quốc gia cùng nhiều đại diện một số cơ quan, trường đại học, THPT trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Tại đây, các chuyên gia trình bày 32 bài nghiên cứu, trong đó có một số công trình xuất sắc sẽ được xuất bản trên tạp chí rEFLections Journal – tạp chí Q2 theo danh mục ISI/ Scopus.
Hội thảo FCLE 2024 có ba phiên toàn thể do GS. ZhaoHong Han – Đại học Columbia (Mỹ), PGS. Obaid Hamid – Đại học Queensland (Australia) và Giáo sư bậc 1 Thanis Tangkitjaroenkun – Đại học Công nghệ Thonburi (Thái Lan), Tổng biên tập tạp chí Q2 reFLEctions Journal trình bày.
Trong đó, PGS. Obaid Hamid (Đại học Queensland, Australia) chia sẻ về sự đa dạng của ngôn ngữ Anh được sử dụng bởi những người không phải là người bản ngữ. Diễn giả phiên toàn thể của FCLE 2024 nhấn mạnh ngữ nghĩa của ngôn ngữ quan trọng, cần được đề cập đến trước khi nói đến tính chính xác. Ông kết luận người dùng cần làm chủ, thay vì làm “nô lệ” của ngôn ngữ.
Việc nhìn nhận đúng đắn về chức năng ngôn ngữ và bản sắc văn hóa giúp giảng viên, sinh viên, nhà khoa học có động lực và phương pháp đúng đắn để hiểu, sử dụng, nghiên cứu ngôn ngữ hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, mỗi nền giáo dục, mỗi quốc gia đào tạo, nghiên cứu khoa học ngôn ngữ có chất lượng để nắm trong tay công cụ giao tiếp, học tập, nghiên cứu và sử dụng hiệu quả trong công việc, đời sống.
Tiếp nối hội thảo, GS. ZhaoHong Han (Đại học Columbia, Mỹ) phân tích sâu về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, hướng đến việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho người học. Diễn giả cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy, cải tiến phương pháp giảng dạy ngoại ngữ trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay.
Bên cạnh đó, Giáo sư bậc 1 Thanis Tangkitjaroenkun (Đại học Công nghệ Thonburi, Thái Lan) cũng tổng hợp các phương pháp giảng dạy tiếng Anh phổ biến từ năm 1950 đến nay. Diễn giả nhận định, gần đây, ngôn ngữ có sự phát triển về tính công cụ, tiếng Anh được sử dụng như một công cụ để làm việc, học tập, giao tiếp… Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các phương pháp giảng dạy, trải nghiệm tiếng Anh cho học sinh, sinh viên cũng có nhiều thay đổi.
Theo các chuyên gia, các trường đại học Việt Nam có tiềm năng hội nhập sâu rộng với giáo dục thế giới và sẽ có thêm cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tế trong triển khai đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ từ những chia sẻ của này.
Ngoài ra, trong khuôn khổ FCLE 2024, các giảng viên, chuyên gia từ FPT Education, trường đại học trong, ngoài nước cũng trình bày 32 bài nghiên cứu xoay quanh chủ đề phương pháp khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ. Diễn giả đưa ra những vấn đề mang tính thực tiễn về giảng dạy ngôn ngữ trong thời đại số, động lực của người học khi học trực tuyến, giao tiếp đa văn hóa, phương pháp đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành…
Đại diện Tổ chức Giáo dục FPT cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị tổ chức hội thảo khoa học về ngôn ngữ và giáo dục nhằm mở ra một sự kiện học thuật chất lượng. Tại đây, giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu có thể trao đổi, chia sẻ, nâng cao chuyên môn và kết nối học thuật về ngôn ngữ. Đồng thời, đơn vị cũng đặt mục tiêu đưa FCLE trở thành hội thảo thường niên để thường xuyên giao lưu khoa học, nắm bắt cơ hội hợp tác ứng dụng nghiên cứu khoa học ngành ngôn ngữ vào hoạt động dạy và học.
Bên cạnh hoạt động trao đổi học thuật, FCLE 2024 là dịp để các giảng viên, chuyên gia tới từ nhiều quốc gia trải nghiệm văn hóa cuộc sống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết thúc sự kiện, bốn bài nghiên cứu xuất sắc đã được trao danh hiệu “Best paper”, trong đó có ba nghiên cứu của các tác giả Việt Nam và một nghiên cứu của tác giả Ba Lan.
Nhật Lệ