Sáng 22/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng dự buổi lễ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình quy mô 459.029 ha, với 10 đơn vị hành chính, gồm thành phố Hòa Bình và 9 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy.
Quy hoạch đặt mục tiêu đưa Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước.
Quy hoạch xác định trong phát triển kinh tế, công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh.
Tỉnh đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8%/năm; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người là 168-170 triệu đồng.
Về cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông – lâm – thủy sản chiếm khoảng 15%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4%.
Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân hằng năm giảm từ 2 đến 2,5%/năm.
Đến năm 2050, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh; khu vực nông thôn hiện đại, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; người dân có điều kiện sống tốt, mức sống cao. Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đặc biệt là văn hóa Mường và nền văn hóa Hòa Bình được giữ gìn, bảo tồn và phát triển.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cam kết sẽ nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm… để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tỉnh Hoà Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, không chỉ là cực tăng trưởng phía tây của Vùng trung du và miền núi phía Bắc, mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cung cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng và là lá phổi xanh của Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 sẽ tiếp tục là năm khó khăn với cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Hoà Bình, trong khi thời gian thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 còn 7 năm vì thế trước mắt Hoà Bình phải tập trung chuẩn bị chu đáo và triển khai nhanh các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nhất là 2 tuyến cao tốc động lực đã được xác định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Hoà Bình thu hút các nhà đầu tư và giữ được vai trò là trung tâm kết nối vùng.
Hoà Bình cũng cần tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch trên cở sở phát huy tiềm năng và những giá trị văn hoá vốn có của mình; triển khai tốt hơn nữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia cùng các chính sách khác để chăm lo tốt hơn nữa cho đồng bào dân tộc thiểu số, để mảnh đất này luôn được bình yên.
Bên cạnh đó, tỉnh Hoà Bình phải tiếp tục triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận vừa có đạo đức, vừa có tri thức để chuẩn bị đủ nguồn lực thực hiện thành công quy hoạch, trong đó đặc biệt lưu ý đến cán bộ người dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc.
Nhấn mạnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những mục tiêu cần đạt được, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hoà Bình phải “tuân thủ” Quy hoạch nhưng “linh hoạt” trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác.
Để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch, chú trọng quảng bá rộng rãi Quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự “thấu hiểu”, đồng thuận, chung tay, góp sức trong triển khai Quy hoạch, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án phát triển của địa phương./.