Các nghi lễ và lối sống người Công giáo trải qua quá trình lịch sử đã hình thành một nét văn hoá sống riêng biệt. Đồng thời, có thể thấy rõ tính chất hội nhập và chịu ảnh hưởng từ văn hoá Việt Nam qua những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán bằng hình thức Thánh hoá ngày Tết dân tộc.
“Giáo xứ Biên Hoà, tưởng chừng như mới đây, nhưng bỗng giật mình ngó lại, nghe tiếng thời gian qua đã 150 năm.” (trích nguồn Giáo Phận Xuân Lộc).
Các nghi lễ và lối sống người Công giáo trải qua quá trình lịch sử đã hình thành một nét văn hoá sống riêng biệt. Đồng thời, có thể thấy rõ tính chất hoà nhập và chịu ảnh hưởng từ văn hoá Việt Nam qua những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán, bằng hình thức Thánh hoá ngày Tết dân tộc.
Trước Tết vài ngày, nhà thờ Biên Hoà tổ chức phát quà gồm: Bánh Chưng, bánh Tét, gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo, không phân biệt tôn giáo. Với mong muốn chia sẻ một cái Tết đủ đầy với người dân khó khăn trong khu vực, đón năm mới cùng niềm vui ấm no.
Đối với đời sống sinh hoạt ngày Tết truyền thống của người Công giáo, thì chiều ngày 30 âm lịch tổ chức lễ Tất Niên tạ ơn Chúa trong năm cũ. Trong đêm lễ tại nhà thờ thời khắc đón năm mới, lời Chúa được viết và treo trên những cành cây mai, cây đào, sau buổi lễ giáo dân có thể hái lộc Thánh mang về, coi như đó chính là lời Chúa để sống theo trong năm mới. Đồng thời, sau Thánh lễ Giao thừa tại nhà thờ là phút giây quan trọng sẽ đọc kinh tạ ơn Chúa, tạ ơn cha, mẹ và thắp nhang trên bàn thờ. Và các buổi lễ quan trọng khác của người Công giáo Việt Nam trong suốt 4 ngày Tết như:
Mùng 1 Tết: Tham dự Thánh lễ Minh Niên tạ ơn Thiên Chúa.
Mùng 2 Tết: Cầu nguyện cho ông, bà, tổ tiên (còn sống hoặc đã qua đời), thường có thêm Thánh lễ ở nghĩa trang giáo xứ.
Mùng 3 Tết: Tham dự lễ Thánh hoá công ăn việc làm. (ngày xưa là lễ cầu mùa, vì nông dân nhiều)
Mùng 4 Tết: Lễ cầu nguyện cho tu sĩ (những người sống đời Thánh hiến), ngày họp mặt của các tu sĩ trong giáo xứ.
Qua hỏi thăm những cảm xúc trong ngày Tết, Linh mục Trần Công Hiển chia sẻ rằng: “Mùa Xuân là mùa để cảm nhận thời gian của sự sống, mùa đem đến những niềm vui và hy vọng. Đối với người Công giáo được sống chính là sống trong thời gian của Chúa, thời gian sống chính là món quà. Ngày đầu năm cũng là dịp để trở về cội nguồn của mình là Thiên Chúa, để biết ơn và xin lỗi, để xin Chúa tiếp tục đồng hành với mình trong năm mới.”
Nhà thờ là ngôi nhà chung đối với người theo đạo Công giáo. Trong những ngày Tết đầu năm, giáo xứ không chỉ là nơi cùng chia sẻ những thời khắc ý nghĩa với người đủ đầy, mà còn là nơi dành cho người thiếu thốn tình cảm gia đình, vì giáo xứ chính là gia đình của họ, cùng họ đón chào năm mới trong tình yêu bao la của Chúa.