Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin tiết lộ, giới lãnh đạo trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ thống nhất đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về kế hoạch tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu.
Nga đe dọa đáp trả nếu phương Tây tịch thu tài sản. (Nguồn: Reuters) |
Khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga đang bị “đóng băng” ở phương Tây, do Mỹ và các đồng minh đã áp lệnh cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev vào tháng 2/2022.
Nhằm giúp tái thiết Ukraine, các quan chức Mỹ và Anh trong những tháng gần đây đã làm việc để khởi động nỗ lực tịch thu tài sản của Nga đang bất động ở Bỉ và các thành phố châu Âu khác.
Họ hy vọng các lãnh đạo G7 sẽ đồng ý đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn khi gặp nhau vào cuối tháng 2/2024, vào dịp đánh dấu 2 năm xung đột Nga-Ukraine.
Điện Kremlin cũng cảnh báo “đáp trả tương xứng”, tuyên bố đã nắm trong tay danh sách tài sản của Mỹ, châu Âu và các tài sản khác sẽ bị tịch thu trả đũa, nếu phương Tây có động thái tịch thu tài sản của Nga.
Hãng tin Ria Novosti của Nga trích dẫn dữ liệu tập hợp được cho thấy đầu tư trực tiếp của Liên minh châu Âu (EU), các nước G7, Australia và Thụy Sỹ vào nền kinh tế Nga lên tới 288 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Theo đó, các quốc gia thành viên EU sở hữu khối tài sản trị giá 223,3 tỷ USD, cụ thể, 98,3 tỷ USD chính thức thuộc về Cộng hòa Cyprus, 50,1 tỷ USD thuộc về Hà Lan, 17,3 tỷ USD thuộc về Đức, 16,6 tỷ USD thuộc về Pháp và 12,9 tỷ USD thuộc về Italy.
Trong số các quốc gia G7, Anh cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, với tổng tài sản ở Nga trị giá khoảng 18,9 tỷ USD tính đến cuối năm 2021.
Mỹ có lượng tài sản ở Nga trị giá 9,6 tỷ USD vào cuối năm 2022, Nhật Bản – 4,6 tỷ USD và Canada – 2,9 tỷ USD.
Ngoài ra, theo Ria Novosti, Thụy Sỹ và Na Uy – những quốc gia thường áp dụng các biện pháp chống Nga – lần lượt sở hữu 28,5 tỷ USD và 139 triệu USD vào cuối năm 2022, trong khi dữ liệu cho thấy Australia đã đầu tư 683 triệu USD vào cuối năm 2023.