MỹTrong khi phẫu thuật cắt bỏ khối u não, một nam bệnh nhân 30 tuổi đã chơi guitar để bác sĩ đánh giá chức năng vận động bàn tay.
Ca phẫu thuật diễn ra tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Sylvester, thuộc Trường Y thuộc Đại học Miami Miller. Christian Nolen là một người đam mê chơi guitar, có khối u ở thùy trán phải và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đặc trưng. Theo Ricardo Komotar, giám đốc chương trình u não tại trung tâm, anh gặp vấn đề với nửa trái cơ thể, đặc biệt là tay trái. Khối u ảnh hưởng đến độ khéo léo và khả năng chơi guitar của Nolan.
Anh được chỉ định phẫu thuật để chẩn đoán, xác định loại khối u và loại bỏ u nếu cần thiết, bởi mỗi khối u có một lựa chọn điều trị khác nhau. Ca phẫu thuật được lên kế hoạch trong 10 ngày sau khi phát hiện khối u. Nolen rất ngạc nhiên khi bác sĩ hỏi anh có sẵn lòng chơi guitar trong suốt ca mổ hay không.
“Khi một khối u xâm lấn hoặc nằm gần phần quan trọng của não, chẳng hạn bộ phận kiểm soát khả năng nói, hiểu ngôn ngữ hoặc cử động, chúng tôi thường muốn phẫu thuật ở trạng thái tỉnh táo để tiếp tục theo dõi bệnh nhân. Điều này giúp bác sĩ biết liệu mình có chạm phải các phần đang hoạt động bình thường hay không”, bác sĩ Komotar giải thích.
Khi bệnh nhân ngủ say, kíp mổ không thể nhận được các phản hồi cần thiết. Ca phẫu thuật lúc này trở nên nguy hiểm hơn nhiều, bởi bác sĩ có thể cắt bỏ một phần liên quan đến chức năng não, gây ra tổn thương cho cơ thể bệnh nhân.
Do guitar là một phần quan trọng trong cuộc sống của Nolen, bác sĩ Komotar đã yêu cầu anh chơi đàn để theo dõi sự khéo léo.
“Tôi chỉ nghe đến điều này trên phim ảnh và các chương trình TV. Với tôi, trải nghiệm này độc đáo và không thể bỏ qua, đặc biệt khi kỹ năng vận động của tôi đang phát triển”, anh chia sẻ.
Trước ca mổ, toàn bộ bác sĩ đã gặp mặt bệnh nhân và tư vấn kỹ càng những gì sẽ xảy ra. Ban đầu, các bác sĩ gây mê cho Nolen để thực hiện phẫu thuật mở hộp sọ. Anh được đánh thức trong giai đoạn tiếp theo, kéo dài hai tiếng. Sau khi Nolen định hình được xung quanh, đội ngũ chăm sóc đã đưa cho anh một cây đàn guitar.
“Thức dậy, tôi cảm thấy choáng ngợp khi nhìn mọi thứ xung quanh, phải chống lại phản ứng muốn ngồi dậy một cách tự nhiên”, anh kể lại.
Khi đã bình tĩnh, anh lần lượt chơi những bản nhạc mình đã tập của ban nhạc Deftones và System of a Down. Bác sĩ loại bỏ khối u và liên tục theo dõi chức năng bàn tay của Nolen.
Độ khéo léo của Nolen giảm khi bác sĩ thao tác phần phía sau khối u. Điều này có nghĩa khối u đã chạm vào phần não điều khiển chuyển động tay. Dù vậy, kíp mổ thành công loại bỏ khối u mà không làm tổn thương đến dây thần kinh tay của anh ấy.
“Thật điên rồ”, Nolen thốt lên trong ca mổ.
Việc để bệnh nhân tỉnh táo khi phẫu thuật não không quá phổ biến, song vẫn quen thuộc đối với các bác sĩ. Bác sĩ Komotar cho biết ông và các đồng nghiệp làm điều này vài lần mỗi tuần, tổng cộng vài trăm lần một năm.
“Sử dụng càng ít thuốc mê trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân càng tỉnh táo. Họ thức dậy càng nhanh thì việc phục hồi trở nên dễ dàng hơn. Vốn dĩ, nằm viện lâu có thể để lại nhiều biến chứng”, ông nói.
Rủi ro lớn nhất khi thực hiện cắt bỏ khối u não tỉnh thức là bệnh nhân “không chịu nổi” việc bị đánh thức (khoảng 5% đến 10%). Ngay cả khi được gây mê cẩn thận, họ đôi khi giật mình hoặc quá đau đớn, bối rối, kích động hoặc không làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu điều này xảy ra, kíp mổ sẽ đưa bệnh nhân trở lại giấc ngủ và cắt bỏ khối u một cách thận trọng hơn.
Nolen được trở về nhà một ngày sau ca phẫu thuật. Anh cho biết chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn bao giờ hết. Anh chỉ gặp khó khăn trong những tuần đầu tiên, chủ yếu do những hạn chế sau phẫu thuật.
Anh đang chờ đợi kết quả bệnh lý cuối cùng, chuẩn bị hóa trị cũng như xạ trị 6 tuần. Cả Komotar và Nolen đều nhấn mạnh rằng thành công của ca phẫu thuật phụ thuộc vào sự hợp tác của toàn bộ đội ngũ chăm sóc.
Thục Linh (Theo Fox News, NME)