TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí “quán quân” về xuất khẩu; lộ diện đối thủ mới của sầu riêng Việt; năm 2023, Việt Nam chi gần 2,87 tỷ USD nhập khẩu loại ngũ cốc này… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 15-21/1.
Liên tục các năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh là địa phương liên tiếp giữ vị thế “quán quân” xuất khẩu cả nước. (Nguồn: Thời báo Doanh nhân Sài gòn) |
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí “quán quân” về xuất khẩu
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện năm 2024 của TP.Hồ Chí Minh, ngày 12/01/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết Thành phố đặt yêu cầu nâng tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5 – 8% (tương đương tăng 1,2 – 1,3 lần so với năm 2023).
Về thu hút đầu tư FDI, kết thúc năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 và chiếm khoảng 16% vốn của 63 địa phương cả nước (36,6 tỷ USD), và là một điểm sáng của môi trường đầu tư thành phố.
Về thương mại, xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy, thành phố đề ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu thành phố tăng 10%.
Được biết, liên tục các năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh là địa phương liên tiếp giữ vị thế “quán quân” xuất khẩu cả nước. Theo đó, năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đạt kim ngạch xuất khẩu 47,5 tỷ USD cao nhất cả nước. Bắc Ninh đứng thứ 2 với 45 tỷ USD; Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng lần lượt thứ hạng 3, 4, 5 với kim ngạch xuất khẩu tương ứng 34,3 tỷ USD, 29,8 tỷ USD và 24,9 tỷ USD.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt 44,902 tỷ USD và dẫn đầu cả nước. Các địa phương còn lại trong “Top 5” gồm Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng. Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đạt kim ngạch xuất khẩu 44,4 tỷ USD đứng đầu cả nước; 4 địa phương nêu trên nằm trong “Top 5” cùng với TP.HCM.
Mới đây, tại buổi Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô TP. Hồ Chí Minh: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” (Báo cáo kinh tế vĩ mô TP. Hồ Chí Minh), do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo rằng TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không nên nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá mà làm chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cũng lưu ý chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.
Được biết, ngoài hai thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của TP. Hồ Chí Minh là Mỹ (đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022) và Trung Quốc (đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022) thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là 3 thị trường tiềm năng của xuất khẩu thành phoos. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vào 3 thị trường nói trên còn khiêm tốn, với tỷ trọng lần lượt là Nhật Bản 7,16%, Hàn Quốc 4,31% và Ấn Độ 1,41%.
Năm 2023, Việt Nam chi gần 2,87 tỷ USD nhập khẩu loại ngũ cốc này
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong năm 2023 đạt trên 9,71 triệu tấn, trị giá gần 2,87 tỷ USD, giá trung bình 295,2 USD/tấn, tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 14,1% kim ngạch và giảm 15,1% về giá so với năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 12/2023 đạt 1,35 triệu tấn, tương đương 347,08 triệu USD, giá trung bình 256,7 USD/tấn, tăng 113,6% về lượng và tăng 109,9% kim ngạch so với tháng 11/2023, nhưng giá giảm 1,8%; so với tháng 12/2022 cũng tăng 16,8% về lượng, nhưng giảm 10% về kim ngạch và giảm 23% về giá.
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong năm 2023, chiếm 43,6% trong tổng lượng và chiếm 42,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 4,23 triệu tấn, tương đương trên 1,23 tỷ USD, giá 290 USD/tấn, tăng mạnh 194,9% về lượng, tăng 157,8% kim ngạch nhưng giảm 12,6% về giá so với năm 2022.
Thị trường lớn thứ 2 là Argentina, trong năm 2023 đạt 3,23 triệu tấn, tương đương 957,93 triệu USD, giá 296,6 USD/tấn, chiếm trên 33% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 43% về lượng, giảm 51,9% về kim ngạch và giá giảm 15,5% so với năm 2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ năm 2023 đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 367,39 triệu USD, giá 310,8 USD/tấn, chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng mạnh 35,5% về lượng, tăng 27,9% về kim ngạch, nhưng giá giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lộ diện đối thủ mới của sầu riêng Việt
Báo cáo thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn Producereport.com, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Thời điểm bắt đầu xuất khẩu sẽ trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 31/5/2024.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia ký thỏa thuận 6 điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này sang Trung Quốc vào tháng 10/2023.
Phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với loại trái cây này và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm tra kiểm dịch.
Theo đó, chỉ những quả sầu riêng chín hoàn toàn mới được xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo hương vị ngon nhất cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể đặt ra những thách thức nhất định trong vận chuyển do thời hạn sử dụng của sầu riêng chín ngắn hơn.
Các thành viên trong ngành sầu riêng và Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia hiện đang đánh giá các phương thức vận tải khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển. Theo ước tính, sầu riêng có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không.
Đáng chú ý, xem xét sự hiện diện của sầu riêng tươi Thái Lan và Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, các chuyên gia Malaysia cũng đề xuất tạo logo sầu riêng Malaysia để phân biệt sầu riêng Musang King của nước này với trái cây có nguồn gốc từ nơi khác.
Năm 2023, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng, 10% trong số đó được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Malaysia xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5/2019.
Việc Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc liệu có tác động tới ngành hàng sầu riêng Việt Nam, khi thị trường này đang là điểm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 2 tỷ USD. Việc ký kết Nghị định thư đã giúp sầu riêng của Việt Nam trở thành ngành hàng tỷ USD và đạt được con số tăng trưởng kỷ lục.
“Chúng ta mới xuất khẩu sầu riêng tươi hơn 1 năm sang thị trường Trung Quốc mà đã đạt kim ngạch bằng gần một nửa so với Thái Lan, trong khi Thái Lan xuất khẩu cả sầu riêng tươi và đông lạnh. Do đó, dư địa cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên nói, đồng thời kỳ vọng Trung Quốc sẽ cho phép nhập thêm sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam.
Thái Lan từng là thị trường cung cấp hoàn toàn sầu riêng cho thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần sầu riêng của Thái Lan đã giảm xuống còn 95% trong năm 2022, do Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với thị phần chiếm 5%. Tính đến 10 tháng năm 2023, thị phần sầu riêng của Thái Lan giảm còn 70% và thị phần sầu riêng từ Việt Nam tăng lên 30%. Và có thể sầu riêng tươi Malaysia sẽ tiếp tục chia lại “miếng bánh” thị phần trên.
Nước nào mua gạo nhiều nhất từ Việt Nam năm 2023?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 492.387 tấn gạo, thu về hơn 338 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 15% về giá so với tháng 11.
Lũy kế cả năm 2023, xuất khẩu gạo thu về gần 4,68 tỷ USD với gần 8,13 triệu tấn, tăng 14,4% về lượng và tăng mạnh 35% về trị giá so với cả năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo.
Giá xuất khẩu bình quân cả năm đạt 575 USD/tấn, tăng 18% so với năm 2022. Tháng 12 là tháng có giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, so với đầu năm 2023, giá xuất khẩu đã tăng đến 32%.
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt với hơn 3,1 triệu tấn trong năm 2023, thu về hơn 1,7 tỷ USD, giảm 2,46% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 559 USD/tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt với hơn 3,1 triệu tấn trong năm 2023. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đáng chú ý, Indonesia đã vượt Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt. Trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này thu về hơn 640 triệu USD với hơn 1,17 triệu tấn, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 917.255 tấn và thu về hơn 530 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam với tỷ trọng 12% cả về lượng lẫn kim ngạch.
Năm 2023 là năm chứng kiến nhiều biến động đối với mặt hàng gạo sau khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu mặt hàng quan trọng này. Các quốc gia đã “đổ xô” đến Việt Nam và Thái Lan để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với kim ngạch chiếm gần 1/3 toàn cầu.
Nhìn lại cả năm 2023, nhiều thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam đã liên tục giữ mức giá 663 USD/tấn, trong khi cùng thời điểm giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan chỉ ở mức 558 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt tới 105 USD/tấn.
(tổng hợp)