Hơn 3 năm nay, tôi giảng dạy chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT với những trải nghiệm không thể nào quên.
Nhớ những ngày mới bắt đầu tôi phải hỏi thăm, dự giờ các cô giáo để biết thế nào là những hoạt động thích hợp với trẻ đang ở lứa tuổi mẫu giáo, cụ thể là độ tuổi mầm, chồi và lá. Những kinh nghiệm giảng dạy ở bậc phổ thông và tại các trung tâm ngoại ngữ của tôi xem như là con số 0 trước những cô cậu học trò nhí này.
Tập trung được khoảng hai mươi phút
Theo giáo trình được cung cấp, tôi xây dựng chương trình cho toàn khóa học. Tôi dự kiến dạy luôn tiết đôi để có thời gian thực hành nhưng khi thiết kế giáo án giảng dạy tôi đã bị dội một “gáo nước lạnh”. Một người bạn là giáo viên mầm non nói nhỏ: “Anh ơi, mỗi tiết ở bậc mầm non chỉ từ 25 đến 35 phút thôi, tùy theo lứa tuổi và không xây dựng tiết đôi được. Trẻ không tập trung được như học sinh ở tiểu học, THCS hay THPT”.
Thế là tôi phải thiết kế lại chương trình, tổ chức hoạt động dạy học lại theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ mẫu giáo. Khi vào thực tế, tôi mới biết là người bạn mình nói đúng, trẻ mẫu giáo chỉ tập trung được khoảng hai mươi phút thôi. Mà trong khoảng thời gian ấy tôi phải tổ chức trên hai hoạt động để tạo hứng thú cho các con làm quen tiếng Anh.
Qua những tiết cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, tôi rút kinh nghiệm rằng giáo viên đừng nên quá quan trọng định lượng kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Hãy giúp cho trẻ có cơ hội được tiếp cận, làm quen với tiếng Anh, tạo niềm vui, hứng thú với việc học ngoại ngữ. Đây sẽ là tiền đề cho việc học tiếng Anh ở các bậc học tiếp theo.
Thông qua việc học tập, giáo viên khuyến khích trẻ mạnh dạn tham gia những hoạt động để tập cho trẻ thói quen dạn dĩ, bớt rụt rè, tích cực hơn trong giao tiếp và tham gia những hoạt động khác của trường.
Những từ vựng quen thuộc được lặp đi lặp lại cùng với trò chơi, bài hát… để trẻ có thời gian thực hành và dần dần hình thành sự tự tin, từ đó giúp trẻ thẩm thấu ngôn ngữ theo cách của riêng mình. Dần dần trẻ mẫu giáo sẽ hình thành kỹ năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Ngôn từ và thái độ giao tiếp của giáo viên phải phù hợp
Dạy tiếng Anh cho trẻ giúp tôi có thêm những kinh nghiệm trong việc “mềm hóa” việc giáo dục học sinh của mình hơn. Trong những lần tổ chức và tham gia hoạt động cùng trẻ thì ngôn từ và thái độ giao tiếp của giáo viên phải phù hợp. Chẳng hạn thầy cô không dùng từ “các em” để gọi trẻ, mà phải là “các con”.
Điều quan trọng nhất là không được nóng giận trong lúc giảng dạy các bé. Phải dỗ ngọt để các bé tham gia hoạt động và có đôi khi phải hóa thân vào các nhân vật như chuột Mickey, mèo Tom hay vịt Donald để tạo tình huống cho trẻ thực hành. Nhiều lúc, tôi phải bật cười vì những lời nói ngây ngô và dễ thương của trẻ: “Thầy ơi, thầy giống ông nội con quá “. Mà cũng phải thôi vì ba mẹ của bé từng là học trò của tôi tại trường phổ thông.
Có mấy buổi tôi bị bệnh, thế là những hoạt động học tập không được sôi nổi như mọi hôm. Tôi cảm động khi nhận được nhiều lời hỏi thăm từ các học trò nhí “Hôm nay sao thầy buồn thế? Thầy bị bệnh rồi à?”.
Dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo thật tuyệt. Có lúng túng chút ban đầu, nhưng nếu được tập huấn, hoàn thành các chương trình bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non… thầy cô sẽ quen và chắc chắn sẽ yêu thích công việc này.
Giáo viên nào đủ điều kiện tham gia cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh?
Theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong số các tiêu chuẩn:
- Có bằng CĐ trở lên các ngành sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (chương trình tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non).
- Có bằng CĐ trở lên ngành giáo dục mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24.1.2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (hoặc tương đương theo quy định).
Giáo viên nước ngoài, giáo viên bản ngữ cũng phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí cụ thể.
Thúy Hằng