Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4):
Sách là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại. Mỗi nội dung, câu chuyện trong sách không chỉ mang đến tri thức mà còn gieo vào tâm trí người đọc những ước mơ, nghị lực và sáng tạo. Với những giá trị to lớn ấy, sách đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh của con người. Rộng hơn, sách tác động đến sự phát triển của một gia đình, địa phương, đất nước.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Bình (Hà Trung) tham dự ngày hội đọc sách.
Nhận thức được tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Tiếp đó, ngày 4-11-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Cùng với đó, ngày 15-3-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phát triển nhu cầu văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sôi nổi tại các địa phương. Các chương trình phát triển văn hóa đọc được các địa phương quan tâm, thực hiện xuyên suốt trong năm.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi thực tế hiện nay, do tác động của công nghệ số, việc đọc sách của một bộ phận người dân đang dần ít đi, thậm chí là không còn duy trì thói quen đọc sách, đặc biệt là giới trẻ. Những cuốn sách chữ nối đã không đủ sức hấp dẫn lớp trẻ trước những thiết bị thông minh đa màu sắc, những trò chơi, âm thanh, hình ảnh sống động. Hiện nay, đã xuất hiện sách điện tử qua các trang web. Tuy nhiên, số lượng sách chưa đa dạng, phong phú. Người truy cập internet đọc sách vẫn còn rất khiêm tốn trước số lượng người truy cập internet chơi game, vào mạng xã hội facebook,
tiktok… Điều này đang cảnh báo về một bức tranh tương lai phủ đầy màu tối về sách, văn hóa đọc và tri thức, đặc biệt những tri thức dân gian. Do đó, để sách trở thành người bạn của mỗi người và đọc sách trở thành một thói quen hàng ngày thì cần phải có sự đổi mới về sách và việc tổ chức tuyên truyền, triển khai các hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc nhằm thay đổi nhận thức và hành động của người dân về lợi ích của đọc sách.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 với thông điệp: “Sách cho bạn cho tôi”, “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo” nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của sách và đọc sách, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về sách và văn hóa đọc; khẳng định sự đổi mới, sáng tạo của sách, cách đưa sách đến cộng đồng là cần thiết. Đồng thời, truyền tải thông điệp về việc lan tỏa tình yêu sách và đọc sách. Mỗi người khi đọc một cuốn sách hay hãy chia sẻ với cộng đồng để mọi người cùng đọc được những cuốn sách hay, từ đó lan tỏa tình yêu sách. Để phát triển văn hóa đọc thì lan tỏa đam mê đọc sách thôi chưa đủ mà sách cũng cần đổi mới, sáng tạo. Muốn làm được điều này, những người làm công tác xuất bản sách cần chú ý đổi mới hình thức, cách trình bày sách; đẩy mạnh việc xây dựng kho sách điện tử. Cùng với đó, người làm công tác thư viện cần đổi mới, sáng tạo cách thức đưa sách đến gần với cộng đồng.
Để phát triển văn hóa đọc, Thư viện tỉnh đã tăng cường nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu chất lượng, phong phú và đa dạng để đáp ứng nhu cầu đọc của Nhân dân; xây dựng nhiều mô hình, phong trào đọc sách, báo ở cơ sở; tích cực luân chuyển sách báo về các trường học, địa phương, trại giam. Đặc biệt, với mong muốn đưa ánh sáng tri thức tới mọi nơi, Thư viện tỉnh đã tổ chức ngày hội đọc sách, phục vụ xe thư viện lưu động tại các địa phương, trường học. Đồng thời, ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm xây dựng thư viện nhà trường theo hướng thân thiện với học sinh. Nhiều trường đã chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, dịch giả, tác giả tổ chức các hoạt động giao lưu, nói chuyện về sách. Những câu chuyện trong sách hay những câu chuyện về sự thành công của những người ham đọc sách đã góp phần tác động đến nhận thức, tâm hồn, mơ ước và nghị lực của trẻ. Khuyến khích niềm đam mê sách của trẻ, dần hình thành thói quen đọc sách hàng ngày cho học sinh mà không phải đọc vì một sự ép buộc hay áp lực nào. Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm xây dựng tủ sách, thư viện ở cấp cơ sở, khuyến khích Nhân dân đọc sách; tổ chức các hoạt động trưng bày sách, đọc sách lưu động trong cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức ngày hội đọc sách, trò chuyện, giao lưu giữa nhà thơ, nhà văn với các em học sinh; tặng sách cho nhà trường và học sinh. Các hoạt động này đã góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Văn hóa đọc được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên và nòng cốt chính là thái độ và cách ứng xử với việc đọc. Bởi vậy, mỗi người hãy tự rèn luyện, tạo thói quen đọc sách cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Lâu dần những thói quen tích cực ấy sẽ tạo dựng thành văn hóa đọc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Bài và ảnh: Thùy Linh