Con số nói trên được công bố trong Chỉ số sức khỏe và hạnh phúc quốc gia của Gallup. Đây là lần thứ năm trong 6 quý liên tiếp mà số người Mỹ sống ở mức cực khổ cao hơn 4%, mức hiếm thấy từ năm 2008, theo tạp chí Newsweek ngày 19.1.
Tỷ lệ người sống trong khổ cực trung bình trong các năm 2022 và 2023 tại Mỹ vượt mức ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái (2008 – 2009).
Số phần trăm người Mỹ đánh giá cuộc sống của họ ở mức phát đạt là 52,1% trong năm 2023, chỉ cao hơn giai đoạn Đại suy thoái (50,2%) và 9 tháng đầu của năm đại dịch Covid-19 2020 (50,2%). Từ năm 2015 – 2019, khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ ở mức đều đặn, và năm 2021, khi kinh tế phục hồi sau đại dịch, hơn 55% người Mỹ có cuộc sống phát đạt.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 30.11 đến ngày 7.12 năm ngoái trên 6.386 người trưởng thành tại Mỹ. Gallup phân loại thành 3 mức gồm phát đạt, chật vật hoặc cực khổ, dựa trên mức đánh giá của người dân về cuộc sống hiện tại và tương lai của họ trên thang đo từ 0-10.
Những người đánh giá cuộc sống hiện tại của họ ở mức 7 trở lên và cuộc sống trong 5 năm tới ở mức 8 trở lên được xếp vào nhóm phát đạt. Điểm số của người cực khổ là 4 trở xuống. Nhóm này thường chịu cảnh thiếu thức ăn, nơi ở, thường bị đau đớn về thể chất, áp lực, lo lắng, buồn phiền và giận dữ.
“Bidenomics” có giúp Tổng thống Biden tái đắc cử?
Giáo sư xã hội học Aaron Pallas tại Trường Giáo dục thuộc Đại học Columbia (Mỹ) nói với Newsweek rằng tỷ lệ phát đạt và cực khổ thường tăng hoặc giảm theo các sự kiện kinh tế, chính trị và xã hội như đại dịch, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc thay đổi chế độ chính trị.
“Khó để xác định cụ thể vì sao người Mỹ bi quan hơn về cuộc sống của họ trong một năm rưỡi qua hơn các giai đoạn khác trong 15 năm qua, nhưng đây là điều đáng lo ngại. Nếu người dân bỏ phiếu dựa trên những cảm giác hiện tại của họ, có lẽ sẽ khó hơn cho các ứng cử viên đương nhiệm tiếp tục tại vị”, ông Pallas dự đoán.