Tiffany Nguyễn, thạc sĩ ngành Phân tích dữ liệu ở Mỹ, tìm được việc làm sau 11 tháng, với hàng trăm lần gửi hồ sơ ứng tuyển.
Tiffany Nguyễn, 26 tuổi, là điều phối viên kiêm trợ lý hiệu trưởng Đại học Marymount (MU), bang Virginia, Mỹ, hơn một năm qua. Công việc chính của cô là quản lý dữ liệu học sinh, đánh giá những đề án thích hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy cho trường.
Để có được công việc này, Tiffany trải qua 11 tháng vất vả xin việc, kể từ tháng 5/2022.
Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin của MU năm 2019, Tiffany sau đó giành học bổng thạc sĩ ngành Phân tích dữ liệu, Đại học George Washington. Định nộp hồ sơ xin việc trước khi tốt nghiệp nên tháng 9/2021, cô đã bắt đầu rải đơn đến các công ty.
Suốt ba tháng đầu, ngày nào Tiffany cũng lên các website việc làm, tìm vị trí có thể ứng tuyển. Cô cho hay trung bình gửi hồ sơ cho 5-7 công ty mỗi ngày nhưng thường không được hồi âm, nếu có là email nói cô “chưa phù hợp với tiêu chí” của công ty.
Bị từ chối liên tiếp, cô đổi chiến thuật tiếp cận nhà tuyển dụng bằng cách ba tháng mới quay lại nộp hồ sơ một lần, vận dụng các mối quan hệ, bạn bè, nhờ nhận xét hồ sơ và giới thiệu việc. Tiffany cũng xin trường danh sách công ty ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp để nộp. Ngoài ra, cô tham gia các khóa học viết resume (lý lịch) và luôn cập nhật thư xin việc trước khi gửi. Song, cô vẫn không thành công.
“Tôi rất buồn và hoảng sợ vì sắp tốt nghiệp mà chưa được mời phỏng vấn”, Tiffany, nhớ lại.
Thời điểm khiến Tiffany muốn bỏ cuộc nhất là hai tháng sau khi hoàn thành khóa thạc sĩ, hồi tháng 5/2022. Ra trường đúng lúc các công ty công nghệ ở Mỹ đồng loạt cắt giảm nhân sự, cô càng cảm thấy áp lực. Dù về nước, ở lại Mỹ hay đến một nước thứ ba, cô cũng phải đối mặt với khó khăn trong tìm kiếm việc làm, vì ngành Công nghệ thông tin có tỷ lệ cạnh tranh cao.
Nhiều đêm thức trắng, cô nghĩ lại lý do mình theo đuổi IT – một ngành rất khó. Đây là ngành học mà các du học sinh được phép ở lại làm việc sau tốt nghiệp ở Mỹ tới ba năm. Tiffany cũng muốn ở lại vì muốn thực hành kiến thức học được, tích lũy kinh nghiệm làm việc.
“Nếu không chiến đấu đến cùng thì người tiếc nuối nhất là tôi”, cô nhìn nhận, rồi tiếp tục ứng tuyển vào các nơi.
Trước đó, Tiffany tập trung nộp các vị trí đúng chuyên môn như phân tích dữ liệu hay nhân viên kỹ thuật, nhưng giờ cô không còn kén chọn, mở rộng rải hồ sơ đến những lĩnh vực khác như ngân hàng, trường học, thời trang… vì cho rằng các nơi này đều cần người quản lý dữ liệu.
Để tạo sự khác biệt với các ứng viên, Tiffany gửi hồ sơ trực tiếp đến nhân viên tuyển dụng, thay vì gửi vào hòm thư chung của công ty. Cô lên LinkedIn, tìm hiểu thông tin, nhu cầu và người tuyển dụng ở các công ty để liên hệ.
“Việc này rất mất thời gian, có khi tìm sai người. Nhưng nếu gặp người tốt, họ sẽ nói đã nhận được email và sẽ chuyển hồ sơ của bạn cho người đang cần”, Tiffany nói, cho biết cố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và tránh bị AI lọc hồ sơ vào bể không chọn bằng cách dùng các từ khóa nổi bật.
Cô cũng lập danh mục những nơi đã nộp hồ sơ kèm thông tin chi tiết như nộp vào vị trí nào, ai là người tuyển dụng, kết quả ra sao để tránh nhầm lẫn hay các sự cố có thể.
11 tháng sau khi rải hồ sơ, cuối cùng Tiffany cũng nhận được các lời mời phỏng vấn và trúng tuyển. Cô chọn về trường cũ MU vì thích môi trường ở đây và muốn giúp đỡ các du học sinh bằng kinh nghiệm của mình, chẳng hạn như cách đăng ký lớp, chọn ngành nghề, thực tập hay giấy tờ, thủ tục bằng chính.
Nhìn lại, Tiffany cho rằng để tăng cơ hội tìm được việc, các du học sinh cần chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt, tự quảng cáo bản thân bằng cách tiếp cận các mối quan hệ có sẵn và chịu khó giao lưu các anh chị cùng trường đi trước.
Điều quan trọng nhất của bộ hồ sơ xin việc ở Mỹ là ngắn gọn, dùng từ khóa đắt, có kỹ năng máy tính và các kỹ năng mềm cơ bản. Trong hồ sơ, thư xin việc (cover letter) cần nêu được tính cách, năng lực của ứng viên, cũng như chứng tỏ sự phù hợp với vị trí việc làm qua những công việc, dự án từng thực hiện.
“Càng ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề càng tốt. Nhà tuyển dụng chỉ có vài giây để lướt qua những câu từ của bạn nên không viết dài dòng”, Tiffany đúc rút. Cô cũng khuyên các ứng viên trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn, không nên nản. Ngoài ra, ứng viên hãy chuẩn bị một phương án dự phòng nếu dự định của mình không được như mong muốn.
Tiffany đang ấp ủ kế hoạch tổ chức trại hè quốc tế cho học sinh cấp 3 giao lưu, học hỏi ở MU hay các sự kiện kết nối du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Cô cũng mong trở thành giảng viên IT và nếu có cơ hội sẽ học lên tiến sĩ để trợ giúp cho công việc giảng dạy và nghiên cứu.
Bình Minh