Những ngày qua, gia đình ông Bùi Thanh Đạm, thành viên Hợp tác xã làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) không khỏi bồn chồn khi cận Tết mà rất ít thương lái đến mua, hoặc có hỏi mua thì ép giá thấp. Tình cảnh này khiến ông như lâm cảnh “ngồi trên đống lửa” vì khả năng buôn bán sẽ kém hơn Tết năm 2023.
“Tết năm trước đã khó, năm nay lại càng khó hơn. Phán đoán tình hình nên nhà tôi không nhập nhiều từ đầu năm, có bao nhiêu thì giữ bán bấy nhiêu.
Điều mà chúng tôi buồn nhất là thương lái biết nhà vườn cần bán nên ép giá rất mạnh. Chẳng hạn như cây mai nhà tôi năm trước rao giá 100 triệu mà bây giờ thương lái ra giá có 70 triệu đồng thôi. Ngay trong Hợp tác xã cũng có trường hợp mai ra giá hơn 90 triệu mà thương lái trả còn 45 – 50 triệu đồng”, ông Đạm chia sẻ.
Cũng theo ông Đạm, có nhiều nguyên nhân khiến mai vàng sẽ không được chuộng trong Tết 2024, trong đó phần lớn là do tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến nhu cầu chơi mai bị hạn chế.
Mặt khác, đối với nhiều gia đình ở thành phố, do diện tích đất ít nên chỉ mua mai chưng cho mùa Tết, sau đó họ sẽ ký gửi nhà vườn chăm sóc để chuẩn bị cho năm tiếp theo nên lượng khách mua giảm đi đáng kể.
“Không chỉ tôi mà nhiều nhà vườn khác trong hợp tác xã này hiện đang lo lắng khả năng hoa bung nụ sớm. Điều này không có cách nào hạn chế vì thời tiết chuyển mùa theo năm nhuận. Đằng nào thì từ Rằm tháng Chạp cũng tước lá, xiết nước cho hoa, chúng tôi quyết giữ giá ban đầu và tiếp tục nuôi hy vọng thị trường hoa kiểng sẽ khởi sắc vào những ngày giáp Tết để bà con trồng hoa ăn Tết trọn vẹn. Còn việc đặt mục tiêu bán được bao nhiêu trong năm nay thì không ai dám nghĩ tới”, ông Đạm tâm sự.
Hiện tại, ông Đạm sở hữu hơn 40 gốc mai với giá dao động từ 5 triệu – 100 triệu đồng (tùy kích cỡ, gốc và dáng mai). Ngoài trồng mai, gia đình ông trồng thêm nhãn để duy trì kinh tế.
Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Truyền (quận Bình Thủy) cũng không khỏi hồi hộp khi sức mua hoa giấy thấp dịp cận Tết. Ông Truyền cho biết, các năm trước, từ tháng 11 đã có người gọi điện hoặc trực tiếp đến xem mua nhưng năm nay đến đầu tháng Chạp chỉ có 1, 2 người hỏi rồi đi. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón thì ngày một tăng khiến nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng Cần Thơ điêu đứng.
“Bên cạnh chăm sóc hoa để chuẩn bị xuống phố, chúng tôi luôn phải nghe ngóng thị trường. Mình không thể để giá thấp vì còn tiền phần thuốc, công chăm sóc nhưng cũng không thể rao giá quá cao vì kinh tế ai cũng khó khăn. Thấy tình hình buôn bán ngày càng đi xuống, nhiều khi tôi cũng rầu lo nhưng duyên mình làm kiểng cho ngày Tết nên phải bám nghề. Tôi biết sức mua sẽ thấp trong năm nay nhưng vẫn hy vọng người dân mua một vài cây chưng Tết cho có không khí”, ông Truyền cho hay.
Được biết, năm nay vườn nhà ông Truyền sở hữu hơn 200 chậu hoa giấy lớn, nhỏ. Chiếm đa số là hoa giấy Thái ngũ sắc, được ghép từ 3 đến 7 màu trên mỗi cây. Giá dao động từ 1 triệu đến 28 triệu đồng/cây tùy kích cỡ.