Chậm giao tài sản cho người trúng đấu giá vì vụ việc phức tạp
Ngày 18/1, UBND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Yên về việc giải quyết phản ánh của ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty khai thác và chế biến khoáng sản Vĩ Đạt trong bài viết trên báo VietNamNet ngày 30/12/2023 “Trúng đấu giá đã 8 năm, doanh nghiệp vẫn chưa được giao tài sản”.
Theo phản ánh của ông Trương Thanh Phong, năm 2004, Công ty CP Công nghiệp Nông thủy sản Phú Yên thế chấp tài sản gắn liền với đất, gồm nhà làm việc và kho với diện tích trên 17.500 m2 tại xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) tại ngân hàng, với số tiền gần 950 triệu đồng. Doanh nghiệp này bị ngân hàng khởi kiện ra tòa, yêu cầu phát mãi tài sản vì không trả khoản nợ. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên tổ chức kê biên, bán đấu giá tài sản.
Công ty Cổ phần Khai thác và Khoáng sản Vĩ Đạt (Công ty Vĩ Đạt) do ông Trương Tam Phong làm Tổng Giám đốc đã trúng đấu giá công khai. Sau đó, Công ty Vĩ Đạt đã nộp hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó tới nay doanh nghiệp Vĩ Đạt chưa được bàn giao tài sản. Công ty CP Công nghiệp Nông thủy sản Phú Yên chưa tuyên bố phá sản, khi đây là cơ sở quan trọng để địa phương bàn giao phần tài sản đã đấu giá cho người trúng đấu giá.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên xử lý vấn đề báo VietNamNet nêu, ngày 8/1/2024 UBND thị xã Đông Hòa đã có công văn đề nghị Tòa án nhân dân thị xã Đông Hòa cung cấp thông tin vụ việc này.
Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Yên, UBND thị xã Đông Hòa cho biết ngày 9/1 đã nhận được văn bản của UBND thị xã Đông Hòa liên quan vụ việc này.
Báo cáo cho biết: Hồi tháng 1/2018, TAND huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) có quyết định mở thủ tục phá sản thụ lý số 01/2018/TLST-KDTM. Trình tự, thủ tục sau khi thụ lý và Quyết định mở thủ tục phá sản gồm: Tòa án nhân dân thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu, tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng,… Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ, lập danh sách người mắc nợ theo danh sách doanh nghiệp và Quản tài viên cung cấp.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy là cổ đông chính của Công ty Cổ phần Công nghiệp Nông thủy sản Phú Yên, là Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Việc giải quyết thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp trên có tính chất phức tạp do liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong toàn quốc.
Qua rà soát, danh sách chủ nợ, người nợ có tại hồ sơ chưa thể hiện thông tin; chưa phân định rõ khoản nợ có đảm bảo hay nợ không đảm bảo, nợ đến hạn và chưa đến hạn…, theo quy định.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Công nghiệp Nông thuỷ sản Phú Yên đề nghị Toà án xem xét việc thu hồi đất của Công ty giao cho Công ty khai thác và chế biến khoáng sản Vĩ Đạt theo luật định.
Công ty cổ phần Công nghiệp Nông thuỷ sản Phú Yên cũng cung cấp đề nghị Toà án chờ Công ty xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ) để có hướng phối hợp giải quyết theo luật định.
Do đó, Tổ Thẩm phán đã yêu cầu Quản tài viên xác minh, cung cấp đúng, đủ lập và niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ và xác minh, kiểm kê đúng, đủ lại toàn bộ tài sản trên đất cần thanh lý và thuê doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định
Hồi tháng 5/2023, Quản tài viên lập báo cáo về quá trình giải quyết, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý. Trong đó, Quản tài viên báo cáo đã yêu cầu Công ty tiếp tục có văn bản yêu cầu Tổng công ty Vinashin trả lời và cho ý kiến bằng văn bản về việc xử lý các tài sản trên đất đang hư hỏng cho Quản tài viên chậm nhất đến hết ngày 30/5/2023. Nhưng đến nay Quản Tài viên chưa có báo cáo kết quả giải quyết.
Tương tự, danh sách chủ nợ, con nợ cũng không được công ty trên cung cấp cho Quản tài viên.
Vướng thủ tục vì hơn 165 công ty con của Vinashin chưa giải thể
Nội dung tòa án cung cấp cho UBND thị xã Đông Hòa cũng thể hiện: Các tài sản trên khu đất Công ty Vĩ Đạt trúng đấu giá được thế chấp đảm bảo tại Công ty Tài chính chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, gồm: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà điều hành, triền đà 3.000T, nhà xưởng gắn liền với đất,…
Công ty Công nghiệp Nông thuỷ sản Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên tạm dừng việc thu hồi đất để Công ty thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công của Chính phủ, thu hồi vốn đầu tư cho Nhà nước.
Công ty cũng đề xuất UBND tỉnh Phú Yên cần phối hợp và có văn bản thống nhất liên ngành với các Bộ ngành nêu trên để chốt hướng xử lý tài sản trên đất và quyền sử dụng đất để tránh xử lý phá sản xong lại xảy ra tranh chấp giữa UBND tỉnh với các cơ quan cấp trên.
Công ty đề nghị Toà án chờ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Vinashin để có hướng phối hợp giải quyết theo luật định.
Theo báo cáo, hiện nay, hơn 165 công ty con của Tổng công ty Vinashin đang tiến hành phá sản, giải tỏa trên phạm vi cả nước vẫn chưa có công ty nào thực hiện việc phá sản giải thể xong. Nguyên nhân là các công ty này vướng thủ tục về các tài sản trên đất và quyền sử dụng đất do các tài sản này thuộc tài sản đã thế chấp cho đối tác để vay trái phiếu Chính phủ.
Do đó, báo cáo cho rằng cần có thời gian để tham khảo các đơn vị khác cũng như có sự thống nhất giữa các Bộ ngành và UBND tỉnh Phú Yên thì mới đảm bảo tính pháp lý và đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Báo VietNamNet có bài phản ánh việc doanh nghiệp ở Phú Yên trúng đấu giá khu đất với diện tích hơn 17.500 m2, gồm nhà làm việc và kho, ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, nhưng gần chục năm qua chưa được bàn giao. Công ty này nhiều lần tìm tới các cơ quan chức năng để có hướng xử lý thấu đáo, nhưng vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm. Việc vướng các thủ tục trên liên quan các cơ quan nhà nước, khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn, thiệt hại.