Từ vịnh Hạ Long nổi tiếng hút khách đến vịnh Bái Tử Long đậm nét nguyên sơ, từ những nông trại rộng rãi, khoáng đạt đến những phiên chợ vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, các sản phẩm du lịch mới được đề xuất đưa vào khai thác trong năm 2023 trên khắp địa bàn tỉnh như những nét vẽ đa sắc màu hội tụ trên bức tranh du lịch Quảng Ninh.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, chiến lược phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, trở thành một mũi nhọn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Sau 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Ninh đang bắt đầu đón chào những tia nắng mùa hè với những luồng phát triển mới, trước hết là từ sự đổi mới của chính các sản phẩm du lịch, các điểm đến trên địa bàn.
Vịnh Hạ Long đến Bái Tử Long
Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long luôn là niềm tự hào của Quảng Ninh, Việt Nam, được đặt trên nhiều danh sách điểm đến mà du khách cần phải đến trong hành trình khám phá thế giới. Hãng tin CNN nhận định vịnh Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh là một trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á và là một trong những địa điểm đẹp nhất Việt Nam; chuyên trang du lịch Canada, The Travel, bình chọn vịnh Hạ Long và một trong 10 điểm đến đẹp nhất thế giới của năm 2022; tạp chí du lịch Travel + Leisure (Mỹ) cũng đánh giá vịnh Hạ Long xứng đáng là thánh địa du lịch châu Á, một trong 4 nơi ngắm bình minh, hoàng hôn đẹp nhất châu lục.
Chỉ tính riêng quý I năm 2023, vịnh Hạ Long đã đón 385.848 lượt khách, trong đó có 117.377 lượt khách Việt Nam, 268.471 lượt khách nước ngoài. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về sức tải của du lịch tại vịnh Hạ Long, hoạt động du lịch tại đây còn dựa vào các giá trị tài nguyên sẵn có và các giá trị tự nhiên thuận lợi tại khu vực trung tâm là chính, dẫn tới sự chênh lệch về số lượng khách giữa các tuyến tham quan trên vịnh Hạ Long.
Do đó, cùng với các tuyến, hoạt động du lịch quen thuộc, nhiều hoạt động mới cũng đang được triển khai để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, giảm sự tập trung vào khu vực trung tâm, tạo tiền đề tổ chức khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp trên vịnh Hạ Long; đồng thời, góp phần tăng tính chủ động trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường khi lượng du khách ngày càng tăng.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong tháng 3/2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt 8 vùng hoạt động vui chơi giải trí đã có các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, gồm: Ba Hang, hang Luồn, hồ Động Tiên – hang Trinh Nữ, vụng Tùng Sâu, Cửa Vạn, Vung Viêng, Cống Đỏ, hang Cỏ và 5 vùng chưa có hoạt động dịch vụ, gồm: Hòn Bọ Hung, hồ Ba Hầm, hang Thầy, Cống Đầm – Vạn Giò, Lờm Bò.
Cùng với đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã xây dựng phương án quản lý khai thác Cụm bãi tắm Trà Sản – Cống Đỏ trên vịnh Hạ Long. Cụm bãi tắm này nằm ở phía Đông Nam vịnh, cách Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu khoảng 25km. Với diện tích khoảng 250ha, khu vực này sở hữu 8 bãi cát tự nhiên có diện tích từ 100m2 đến 800m2, đảm bảo phục vụ hoạt động trải nghiệm của khách du lịch như chèo kayak, tham quan, tắm biển; trong đó, có 4 bãi tắm có thể phục vụ các hoạt động của du khách cả ngày mà không bị ảnh hưởng của mực nước thủy triều.
Theo danh mục định hướng các sản phẩm du lịch mới dự kiến đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh năm 2023 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực vịnh Hạ Long sẽ đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của du khách ngay từ mùa du lịch hè 2023 với các dịch vụ như: Dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch tại bến thuỷ nội địa thuộc Cảng tàu quốc tế Hạ Long (Phố đêm du thuyền); hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh; dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long; điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo; điểm check-in vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ… Tất cả các dịch vụ đều đảm bảo tối đa không để bất cứ tác động tiêu cực nào tới di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ngay kế bên vịnh Hạ Long rạng rỡ là vịnh Bái Tử Long yên ả hơn với những đảo đá thiên hình vạn trạng và nhiều đảo núi đất lớn, nhỏ có dân cư sinh sống. Khi đến với Bái Tử Long, du khách sẽ có một trải nghiệm khác biệt như một ngư dân khi tìm hiểu về cuộc sống của cư dân trên đảo, với những làng chài, nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện Đề án “Tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô”, các sản phẩm du lịch biển, đảo về phía Đông của tỉnh Quảng Ninh đã và đang được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tiềm năng của lĩnh vực này tại các khu vực ngoài vịnh Hạ Long cũng như hình thành chuỗi du lịch biển đảo chất lượng cao xuyên suốt trên địa bàn.
Vào cuối tháng 2, huyện Vân Đồn đã đưa vào sử dụng bến cảng cao cấp Ao Tiên với 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Đây sẽ là cơ sở, động lực để kết nối với các tuyến, điểm du lịch trên vịnh Bái Tử Long; qua đó, giúp kết nối các tour, tuyến giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và khu vực, làm mới sản phẩm du lịch và thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Từ tháng 3/2023, 2 tuyến tham quan trên vịnh Bái Tử Long xuất phát từ Cảng quốc tế Ao Tiên (huyện Vân Đồn) đã được phê duyệt để đưa vào khai thác ngay, gồm: Tuyến 1 có tổng hành trình 53km từ Cảng Ao Tiên – hang Phất Cờ – Nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) – Hòn Quạ – Cống Lão Vọng – Hòn Đũa – đảo Minh Châu – Cảng Ao Tiên và tuyến 2 có tổng hành trình 30km từ Cảng Ao Tiên – đảo Tây Hoi – hòn Mèo Lười – Bản Sen – hang Nhà Trò – Cảng Ao Tiên.
Từ nông trại đến phiên chợ vùng cao
Không chỉ là những bãi cát dài lộng gió, Quảng Ninh còn được nhắc đến với những nông trại thênh thang và xanh mát. Những năm gần đây, những vườn cam vàng óng tại huyện Vân Đồn đã xuất hiện ngày càng nhiều trên hành trình du lịch khám phá của du khách đến với Quảng Ninh.
Theo dự kiến, tháng 11/2023, Tuần lễ Mùa Cam Vân Đồn sẽ được tổ chức tại thôn 10/10 xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Đây là thôn tiếp giáp với trục đường 334 là trục đường chính của huyện Vân Đồn. Tuần lễ Mùa Cam sẽ gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, thương mại… và tổ chức hội thi vườn cam đẹp, trưng bày các sản phẩm OCOP huyện Vân Đồn.
Hiện các vườn cam đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về chăm sóc cây trồng, chỉnh trang khuôn viên vườn, bổ sung các chương trình, hoạt động, dịch vụ trải nghiệm để sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Hoàng Văn Hùng, chủ Vườn cam 66 (HTX Nông trang Vạn Yên) cho biết: Thời điểm tổ chức tuần lễ cũng chính là lúc cam vào vụ chín mọng. Chúng tôi đang chăm bón tốt cho cây cam, trồng thêm nhiều cây cam có chất lượng tại vườn, sườn đồi, ven suối. Du khách chắc chắn sẽ thích thú với những vạt cam vàng trĩu quả trong không gian núi đồi trong lành và nhẹ nhõm. Vườn cam cũng sẽ có thêm các dịch vụ như cắm trại, thưởng thức sản vật địa phương, trò chơi dân gian… để du khách có thêm nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp khi đến với trang trại.
Phiên chợ vùng cao Pò Hèn là sản phẩm mang đậm văn hóa dân tộc thiểu số sẽ mang đến cho du khách nhiều điều bất ngờ, thú vị. Sản phẩm này đã được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách định hướng các sản phẩm du lịch mới, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ 2/9/2023 tại địa bàn 3 xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), Hải Sơn, Bắc Sơn (TP Móng Cái).
Phiên chợ tại đây sẽ họp 1 lần vào ngày thứ 7 hàng tuần với sự tham gia của người dân trên địa bàn. Du khách sẽ có cơ hội được tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Trà hoa vàng, ngan đen, lợn bản, các loại rau, củ, quả, các loại lá thuốc của người dân tộc, quần áo người Sán Chỉ, người Dao… Bên cạnh đó, thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Dao, Sán Chỉ như vịt quay, ngan đen, ẩm thực mẹt, thịt trâu rừng, thắng cố, thịt trâu, lợn gác bếp, hun khói… do chính người bản địa chế biến cũng là một trải nghiệm nên có đối với bất cứ du khách nào.
Cùng với việc tham gia phiên chợ, du khách có thể tham quan cảnh quan núi rừng tuyệt sắc tại khu vực này, với nhiều địa danh nổi tiếng như Khu di tích lịch sử Pò Hèn, Làng bích họa rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc, thác 72 gian – hồ Tràng Vinh, núi Panai, Mã Thầu Sơn, Đồi Sim và nhiều nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, nghệ thuật ẩm thực đặc biệt, trò chơi dân gian độc đáo.
Với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, ngành du lịch Quảng Ninh đang chuẩn bị một tiền đề phát triển mạnh mẽ và toàn diện, trọng tâm được đặt vào chính là sự phát huy tiềm năng, nội lực của chính các địa phương, các điểm đến thông qua các dự án, kế hoạch cụ thể và có tầm nhìn dài hạn. Đây sẽ là những bước đi vững chắc nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế đến năm 2030.