Với việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có khả năng cao giành được suất đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, có những lo ngại rằng chính sách của Washington đối với Kyiv sẽ thay đổi nếu ông giành chiến thắng. Ngoài ra, việc quốc hội Mỹ bất đồng về cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, một số người lo ngại rằng ông Trump sẽ càng ít muốn hỗ trợ Kyiv hơn.
Tuy nhiên, ông Kuleba ngày 18.1 tỏ ra lạc quan về một chiến thắng tiềm năng của ông Trump. Ông nói: “Tôi sẽ chấp nhận ý kiến của người dân Mỹ và chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ thực tế nào xảy ra sau cuộc bầu cử”.
Ngoại trưởng Nga nêu “điểm khác” giữa Tổng thống Putin và phương Tây
Phát biểu tại cuộc họp thường niên nhằm điểm lại các hoạt động đối ngoại của Nga trong năm qua, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã chỉ ra điểm mà ông cho là khác biệt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới lãnh đạo phương Tây.
Theo đó, ông Lavrov nói rằng ông Putin “chưa bao giờ đe dọa sử dụng bom hạt nhân”, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
Khi được hỏi liệu tình hình thế giới có diễn ra như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hay không, ông Lavrov trả lời rằng chủ đề này gần đây đã xuất hiện “trên nhiều chương trình thảo luận và hội nghị bàn tròn chính trị”.
Ông nói: “Tất cả những gì họ (phương Tây) nói là ông Putin đang đe dọa sử dụng bom hạt nhân, mặc dù điều đó chưa từng được thốt ra, trái ngược với người châu Âu hay người Mỹ”.
Các nước phương Tây chưa bình luận về phát biểu này của Ngoại trưởng Nga.
Ukraine tấn công kho dầu ở miền bắc Nga
Một nguồn tin an ninh ở Kyiv nói với AFP hôm 18.1 rằng lực lượng Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công vào một kho dầu ở TP.Saint Petersburg miền bắc nước Nga.
Nguồn tin xác nhận rằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Kyiv lên kế hoạch và thực hiện đã nhằm vào một kho dầu ở khu vực phía bắc như một phần của chiến dịch đặc biệt.
Nga thường đổ lỗi cho Ukraine về các cuộc tấn công trên không vào các khu vực gần biên giới của 2 nước. Tuy nhiên, các cuộc tấn công ở các khu vực phía bắc như Saint Petersburg giáp với Phần Lan là rất hiếm.
Không có phản hồi ngay lập tức về tuyên bố này ở Moscow nhưng Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết họ đã chặn một máy bay không người lái của Ukraine ở Saint Petersburg. Cho đến nay, khu vực này hiếm khi chứng kiến các cuộc tấn công như vậy.
Trong khi đó, Nga cáo buộc lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hơn 30 quả đạn vào tỉnh Belgorod nằm giáp biên giới 2 nước trong 24 giờ qua. Moscow cũng cáo buộc Kyiv điều 14 máy bay không người lái tham gia đợt tấn công này.
Theo Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov của Belgorod, Ukraine đã làm hư hại 2 xí nghiệp công nghiệp và đường dây điện. Một chiếc xe tải Kamaz cũng bốc cháy.
Kyiv chưa bình luận về thông tin này.
Ukraine nói đụng độ Nga 78 lần trong một ngày
Hãng thông tấn Ukrinform dẫn thống kê từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong ngày 18.1, quân đội nước này và Nga đã xảy ra 78 cuộc đụng độ trên tiền tuyến.
“Trong ngày qua, 78 cuộc giao tranh đã diễn ra. Tổng cộng, đối thủ đã tiến hành 9 cuộc tấn công tên lửa và 128 cuộc không kích, cũng như 77 cuộc tấn công bằng hệ thống rốc két phóng loạt (MLRS) vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu vực đông dân cư”, theo báo cáo.
Kyiv nói rằng các cuộc tấn công từ Moscow đã khiến nhiều thường dân thiệt mạng và bị thương song không công bố số liệu chi tiết. Nhiều tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự khác cũng bị phá hủy nghiêm trọng.
Nga chưa bình luận về báo cáo từ Ukraine.
NATO công bố cuộc tập trận 90.000 quân
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 18.1 thông báo khối sẽ bắt đầu cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender lớn nhất trong nhiều thập niên. Quy tụ khoảng 90.000 binh sĩ và kéo dài trong nhiều tháng, cuộc diễn tập lần này nhằm kiểm tra khả năng của các đồng minh trong tình huống nổ ra một cuộc xung đột với một đối thủ có năng lực như Nga, AFP đưa tin.
Tướng Mỹ Christopher Cavoli, tư lệnh tối cao của các lực lượng đồng minh NATO (SACEUR), tiết lộ Steadfast Defender sẽ kéo dài đến cuối tháng 5, và có sự tham gia của các đơn vị từ tất cả 31 nước thành viên NATO cùng với Thụy Điển, quốc gia đang xin gia nhập khối.
Nga rút khỏi thỏa thuận đánh bắt cá với Anh
Chính phủ Nga hôm 18.1 cho biết nước này đã phê duyệt kế hoạch hủy bỏ thỏa thuận đánh bắt cá có từ thời Liên Xô với Anh. Thỏa thuận này cho phép các tàu đánh cá của Anh hoạt động trong và xung quanh biển Barents.
Nhật báo Izvestiya trước đó vào cùng ngày đưa tin Bộ nông nghiệp Nga đã đệ trình dự thảo luật cho phép Moscow rút khỏi thỏa thuận có từ năm 1956, nhằm cấm London đánh bắt cá ở vùng biển có nhiều cá tuyết và cá tuyết chấm đen.
Theo Izvestiya, động thái này nhằm đáp trả việc Anh siết trừng phạt kinh tế Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine. Sự chấp thuận của nội các Nga đối với kế hoạch này cũng đã được người phát ngôn chính phủ xác nhận.
Hiện dự luật này vẫn cần phải được quốc hội Nga và Tổng thống Vladimir Putin thông qua trước khi trở thành luật.
Anh chưa bình luận về thông tin này.